Tìm hiểu về "Dị ghép tủy xương"

Tìm hiểu về "Dị ghép tủy xương"

13/02/2021

-

Nguyen Trung

-

0 Bình luận

Tìm hiểu về

1. Ghép tủy xương là gì?

Ghép tủy xương là một phương pháp thay thế các tế bào bất thường hoặc bị thiếu trong tủy xương bằng các tế bào khỏe mạnh. Tủy xương là mô ở trung tâm của một số xương. Thông thường, tủy xương tạo ra các tế bào máu cơ thể cần để hoạt động bình thường. Có nhiều loại tế bào máu khác nhau, và tất cả chúng được tạo ra từ các tế bào trong tủy xương gọi là "tế bào gốc tạo máu".

Nếu tủy xương không hoạt động bình thường, nó không thể tạo ra các tế bào máu mà cơ thể con người cần. Để điều trị vấn đề này, bác sĩ có thể đưa các tế bào gốc khỏe mạnh từ người hiến vào tủy xương của bệnh nhân. Các tế bào từ người cho sau đó có thể tạo ra các tế bào máu bình thường. Ghép tủy xương còn được gọi là "ghép tế bào gốc" hay "ghép tế bào gốc tạo máu".

 

2. Tại sao tôi cần được ghép tủy xương?

Bạn có thể được ghép tủy xương để điều trị ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc lymphoma, hoặc một bệnh nào đó ảnh hưởng đến tủy xương của bạn.

3. “Dị ghép” nghĩa là gì?

Dị ghép có nghĩa là các tế bào gốc khỏe mạnh đến từ một người khác. Các bác sĩ sử dụng một quy trình gọi là "xác định HLA" để tìm một người cho tủy phù hợp với bạn. Người cho tủy có thể là:

  • Một người có liên quan đến bạn và có máu phù hợp với bạn
  • Một người không liên quan đến bạn nhưng có máu phù hợp với bạn
  • Máu (phù hợp với máu của bạn) từ dây rốn của trẻ sơ sinh

Có một loại ghép tủy xương khác, được gọi là ghép "tự thân", các tế bào của người cho đến từ chính cơ thể bạn. Đây là loại cấy ghép được thảo luận riêng ở một bài khác. (Xem phần "Giáo dục bệnh nhân: Ghép tủy xương tự thân (Cơ bản)".)

Loại ghép tủy xương phù hợp với bạn phụ thuộc vào nhiều thứ khác nhau, bao gồm:

  • Loại ung thư hoặc các tình trạng bạn đang mắc phải
  • Tình trạng sức khỏe của bạn
  • Tuổi của bạn
  • Ưu tiên của bạn

Một lợi thế của dị ghép là các tế bào gốc của người hiến tặng có những khác biệt nhỏ so với tế bào cơ thể của chính bạn. Điều này đúng ngay cả khi người hiến tương hợp một cách hoàn hảo với bạn. (Ngoại lệ là nếu bạn có một người anh em sinh đôi cùng trứng. Trong trường hợp người này cho bạn tế bào gốc từ tủy xương, các tế bào này sẽ khớp chính xác với bạn.) Do khác biệt nhau, các tế bào của người hiến có thể tấn công các tế bào không khỏe mạnh của bạn. Đây được gọi là "hiệu ứng mảnh ghép chống u" và là một phần quan trọng trong việc mảnh ghép sẽ hoạt động như thế nào. Mặt khác, các tế bào của người hiến đôi khi cũng có thể tấn công các cơ quan khỏe mạnh của bạn, và có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Các vấn đề này được mô tả nhiều hơn ở dưới đây. (Xem phần 'Tác dụng phụ của ghép tủy xương là gì?' bên dưới.)

Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu những rủi ro và lợi ích của từng loại cấy ghép.

4. Làm thế nào để tôi tìm thấy một người cho tế bào gốc?

Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về các lựa chọn. Nếu bạn có anh chị em, họ có thể được xét nghiệm để tìm xem bất kỳ ai trong số họ "phù hợp" với bạn. Các bước thực hiện bao gồm các xét nghiệm đặc biệt để xem xét một số protein trên các tế bào của họ. Đây được gọi là "xác định HLA." Loại HLA không giống với nhóm máu (A, B, AB hoặc O).

Có khoảng 1 phần 4 cơ hội rằng anh chị em sẽ tương thích với HLA của bạn. Nếu bạn có anh chị em là người phù hợp và sẵn sàng hiến tặng tế bào gốc, đây thường là lựa chọn tốt nhất. Đó là bởi vì anh chị em có chung các gen tương tự nhau, vì vậy các tế bào gốc của anh chị em bạn có nhiều khả năng hoạt động tốt với cơ thể của bạn.

Nếu không có anh chị em nào phù hợp, các tùy chọn khác bao gồm:

  • Một người cho tế bào gốc không liên quan đến bạn - Các bác sĩ có thể tìm thấy những người phù hợp với bạn bằng cách tìm kiếm danh sách đăng ký. Danh sách đăng ký là danh sách những người trên khắp thế giới đã tình nguyện hiến tặng tế bào gốc.
  • Cha mẹ hoặc con cái - Cha mẹ hoặc con cái của bạn có thể có máu phù hợp một nửa với bạn.
  • Máu cuống rốn - Một số cha mẹ chọn cách hiến máu cuống rốn của con mình sau khi sinh. Máu này chứa các tế bào gốc có thể được sử dụng trong cấy ghép. Các bác sĩ cũng có thể tìm kiếm trong danh sách đăng kí máu cuống rốn phù hợp với bạn

Trước khi một người có thể hiến tế bào gốc, họ cần phải:

  • Khám sức khỏe và xét nghiệm máu
  • Trả lời các câu hỏi, bao gồm các câu hỏi về bất kỳ vấn đề y tế nào họ gặp phải, thuốc họ đã sử dụng và tiêm chủng trước đây
  • Tìm hiểu về những rủi ro liên quan đến việc hiến tế bào gốc
  • Đơn xác nhận cho biết họ đồng ý hiến tặng tế bào gốc

Nếu anh chị em hoặc người thân của bạn đã được đồng ý để cho tế bào gốc, họ sẽ đến bệnh viện hoặc trung tâm cấy ghép để làm thủ thuật. Tế bào gốc có thể được lấy từ máu hoặc tủy xương. Sau khi họ hiến tặng, cơ thể họ sẽ tạo ra nhiều tế bào gốc để thay thế những tế bào đã bị lấy ra.

5. Điều gì sẽ xảy ra trước khi tôi được cấy ghép?

Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm cho bạn. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn và gia đình bạn về những gì có thể xảy ra trong và sau khi làm thủ thuật.

Bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ vào mạch máu ở ngực trên của bạn. Ống này, được gọi là "đường truyền trung tâm", sẽ giữ nguyên vị trí trong suốt thời gian bạn nằm viện. Bác sĩ sẽ sử dụng đường truyền này để thực hiện điều trị, cũng như lấy máu để xét nghiệm.

Ngay trước khi cấy ghép, bạn sẽ được “điều trị điều kiện hóa” bằng cách giết chết các tế bào ung thư và chuẩn bị tủy xương để nhận các tế bào gốc của người hiến tặng. Điều trị điều kiện hóa sử dụng hóa trị, xạ trị hoặc cả hai. Khi được dùng với liều cao, nó được gọi là "điều kiện hóa bằng loại bỏ tủy". Trong một số trường hợp, bác sĩ của bạn có thể đề nghị phương pháp "cấy ghép nhỏ" để thay thế. Phương pháp này sử dụng liều thấp hơn hoặc các loại điều trị điều kiện hóa khác. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về sự khác biệt giữa các loại trị liệu điều kiện hóa.

6. Điều gì sẽ xảy ra trong quá trình cấy ghép của tôi?

Ngay sau khi điều trị điều kiện hóa, bác sĩ sẽ đưa các tế bào của người hiến vào cơ thể bạn thông qua đường truyền trung tâm hoặc từ các tĩnh mạch khác. Các tế bào gốc sẽ tìm đường đến tủy xương của bạn. Ở tủy xương, các tế bào gốc có thể bắt đầu tạo ra các tế bào máu bình thường.

7. Điều gì sẽ xảy ra sau quá trình cấy ghép của tôi?

Hầu hết mọi người cần phải ở lại bệnh viện trong vài tuần sau khi dị ghép tủy xương.

Ngay sau khi ghép tủy xương, cơ thể bạn có khả năng bị nhiễm trùng cao hơn bình thường. Bởi vì lí do này, bạn sẽ cần phải ở trong một phòng đặc biệt trong bệnh viện và được cho một số loại thuốc.

Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn các phương pháp điều trị khác, tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn. Bác sĩ cũng sẽ làm xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra xem mảnh ghép tủy xương của bạn có hoạt động không.

Khi tủy xương của bạn hoạt động bình thường và bạn được xuất viện, bạn sẽ cần gặp bác sĩ để theo dõi thường xuyên.

8. Tác dụng phụ của ghép tủy xương là gì?

Các tác dụng phụ phụ thuộc vào tế bào của người cho đến từ đâu, cũng như phương pháp điều trị bạn nhận được trước khi cấy ghép.

Sau khi dị ghép tủy xương, các tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp nhất bao gồm:

  • Loét miệng và tiêu chảy
  • Buồn nôn và nôn
  • Rụng lông, tóc (ở đầu, mặt và thân mình)
  • Các vấn đề về phổi, gan hoặc xương
  • Một tình trạng gọi là "bệnh mảnh ghép chống lại chủ" (Graft versus host disease - GVHD). Trong GVHD, các tế bào của người hiến có thể tấn công các cơ quan trong cơ thể bạn. Tình trạng này có thể làm bạn bị phát ban ở da, tiêu chảy và các vấn đề về gan.

Người nhận cũng có thể có các tác dụng phụ lâu dài bao gồm:

  • Khó mang thai - Nếu bạn muốn có con trong tương lai, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi ghép tủy xương.
  • Các bệnh ung thư khác có thể xảy ra nhiều năm sau đó
  • Bệnh mảnh ghép chống lại chủ kéo dài

 

 

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE