SƠ LƯỢC VỀ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU ( PHẦN 2)

SƠ LƯỢC VỀ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU ( PHẦN 2)

08/06/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

SƠ LƯỢC VỀ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU ( PHẦN 2)

 

TRIỆU CHỨNG CỦA HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU 

Có thể cần đến các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để phân biệt có cục máu đông hay không hay các dấu hiệu và triệu chứng là do một tình trạng khác.

Huyết khối tĩnh mạch sâu - Các triệu chứng cổ điển của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm sưng, đau, ấm và đau khi chạm vào và đỏ ở chân liên quan.

Viêm tĩnh mạch nông - Viêm tĩnh mạch nông gây đau, sưng và / hoặc tĩnh mạch đỏ lên do viêm, nhiễm trùng và / hoặc cục máu đông (huyết khối). Viêm tĩnh mạch thường được thấy ở phần bên trong của cẳng chân. Viêm tĩnh mạch khác với huyết khối tĩnh mạch sâu vì các tĩnh mạch bị ảnh hưởng ở gần bề mặt da và không thể vỡ ra để đi đến phổi để gây ra thuyên tắc phổi.

CHẨN ĐOÁN HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU

Nếu bệnh sử, triệu chứng và dấu hiệu gợi ý bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu, bạn sẽ được xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Các xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm máu gọi là D-dimer và siêu âm nén của tĩnh mạch chân và / hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác.

Nếu một người bị huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của thuyên tắc phổi, họ có thể cần xét nghiệm bổ sung. (Xem phần "Giáo dục bệnh nhân: Thuyên tắc phổi ".)

Xét nghiệm chẩn đoán

D-dimer - D-dimer là một chất trong máu thường tăng ở những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Xét nghiệm D-dimer đôi khi hữu ích cho bệnh nhân nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Nếu xét nghiệm D-dimer âm tính và bạn có nguy cơ thấp bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi dựa trên bệnh sử và khám thực thể, nhiều khả năng bạn không bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi và bạn không cần thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác.

Siêu âm nén - Siêu âm nén sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong chân. Khi được siêu âm, bạn nằm ngửa và sau đó nằm sấp và đầu dò siêu âm sẽ được rà trên chân bạn. Trong hầu hết các trường hợp, siêu âm nén là xét nghiệm được lựa chọn cho bệnh nhân nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Các xét nghiệm hình ảnh khác - Mặc dù không còn được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán, trong một số trường hợp (ví dụ, nếu không thể thực hiện siêu âm vì một số lý do) có thể thực hiện một xét nghiệm hình ảnh khác. Các xét nghiệm này bao gồm MRI (sử dụng một nam châm mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể) và chụp cắt lớp vi tính (computed tomography - CT). Chụp tĩnh mạch tương phản (tiêm chất tương phản vào tĩnh mạch và sau đó chụp X-quang) gần như không bao giờ được thực hiện nữa.

Tìm nguyên nhân của cục máu đông - Sau khi xác nhận rằng bạn đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi, bác sĩ sẽ đi tìm nguyên nhân gây ra nó. Trong nhiều trường hợp, có những yếu tố nguy cơ rõ ràng như bạn đã được phẫu thuật gần đây hoặc bất động. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể kiểm tra sự hiện diện của tình trạng tăng đông máu hoặc một bệnh khác gây tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (ví dụ như ung thư).

Những người có một số bất thường mắc phải hoặc di truyền có thể cần các biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa bổ sung để giảm nguy cơ huyết khối trong tương lai. Một số chuyên gia khuyên rằng các thành viên gia đình của người mắc tăng đông máu di truyền nên được kiểm tra tình trạng di truyền nếu thông tin này cũng ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc của họ, mặc dù vấn đề này còn gây tranh cãi. Nếu bạn có hoặc đang lo ngại mình mắc vấn đề về di truyền, bác sĩ hoặc một nhà tư vấn di truyền có thể giải thích cho bạn về vấn đề di truyền này là gì cũng như những ưu và nhược điểm của việc sàng lọc vấn đề di truyền này ở các thành viên khác trong gia đình.

ĐIỀU TRỊ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU

Trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, mục tiêu chính là ngăn ngừa thuyên tắc phổi. Các mục tiêu điều trị khác bao gồm ngăn ngừa cục máu đông trở nên lớn hơn, ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.

Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi là tương tự nhau. Trong cả hai trường hợp, cách tiếp cận chính là chống đông máu. Các phương pháp điều trị có sẵn khác, có thể được sử dụng trong các tình huống cụ thể, bao gồm điều trị tan huyết khối hoặc đặt bộ lọc vào một mạch máu chính (tĩnh mạch chủ dưới).

Thuốc chống đông máu - Thuốc chống đông máu là loại thuốc thường được gọi là "thuốc làm loãng máu". Chúng không thực sự làm tan cục máu đông mà chỉ giúp ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành.

Có một số loại thuốc khác nhau có thể được chỉ định dùng sau khi được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu (được gọi là "chống đông máu ban đầu"), bao gồm:

● Thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống - Những loại này có sẵn ở dạng thuốc viên; tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

● Heparin trọng lượng phân tử thấp (LMW), được tiêm dưới da

● Fondaparinux, cũng được dùng bằng đường tiêm

● Heparin không phân đoạn, được dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da - Đây có thể là lựa chọn ưu tiên trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như nếu bệnh nhân cần lọc máu vì suy thận.

Thuốc chống đông máu ban đầu thường được dùng trong thời gian 5 đến 10 ngày với các loại như heparin trọng lượng phân tử thấp, heparin không phân đoạn, hoặc fondaparinux. Sau đó, việc chống đông máu dài hạn được tiếp tục trong 3 đến 12 tháng. Các thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống cũng là một lựa chọn để chống đông máu lâu dài; những viên thuốc này bao gồm rivaroxaban, pixaban, dabigatran, và edoxaban. Một lợi thế của việc bắt đầu điều trị bằng thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống là một số thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống có thể được bắt đầu sử dụng ngay sau khi được chẩn đoán có cục máu đông mà không cần dùng thuốc làm loãng máu đường tiêm trước đó từ 5 đến 10 ngày (ví dụ, heparin trọng lượng phân tử thấp). Trong vài trường hợp, một loại thuốc đường uống khác gọi là warfarin có thể được dùng thay vì thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống. Nếu bạn được chỉ định warfarin, bạn cần được xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tác dụng làm loãng máu của warfarin và đảm bảo rằng bạn đang dùng đúng liều; điều này là không cần thiết với bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống. Ít phổ biến hơn, bệnh nhân sẽ được tiêm heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc fondaparinux (một hoặc hai lần một ngày) trong toàn bộ thời gian điều trị thay vì dùng warfarin hoặc thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống.

Việc lựa chọn thuốc chống đông máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lựa chọn của bạn, khuyến cáo của bác sĩ dựa khi cân nhắc tình hình, bệnh sử của bạn và chi phí khi dùng thuốc.

Thời gian điều trị - Chống đông máu được khuyến nghị trong TỐI THIỂU ba tháng ở một bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Nếu bạn có yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu có thể thay đổi được, chẳng hạn như chấn thương, phẫu thuật hoặc phải nằm tại giường trong thời gian dài, bạn có thể sẽ được điều trị bằng thuốc chống đông chỉ trong ba tháng hoặc cho đến khi yếu tố nguy cơ được giải quyết.

Các nhóm chuyên gia đề nghị rằng những người hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu nhưng không có yếu tố nguy cơ đã biết có thể cần điều trị bằng thuốc chống đông máu trong một thời gian không xác định. Tuy nhiên, nếu đây là tình huống của bạn, bạn nên thảo luận về ưu và nhược điểm với bác sĩ sau ba tháng điều trị. Nếu bạn muốn tiếp tục điều trị bằng chống đông máu, bác sĩ sẽ tiếp tục đánh giá lại một cách thường xuyên. Một số người muốn tiếp tục dùng thuốc chống đông, điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, trong khi những người khác muốn ngừng thuốc chống đông máu tại một số thời điểm, điều này có thể làm tăng nguy cơ tái phát huyết khối.

Hầu hết các chuyên gia khuyên nên tiếp tục sử dụng chống đông máu vô thời hạn cho những người có hai hoặc nhiều đợt huyết khối tĩnh mạch hoặc nếu yếu tố nguy cơ gây đông máu vẫn tồn tại (ví dụ, hội chứng kháng phospholipid, ung thư).

Đi lại khi được điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu - Một khi thuốc chống đông máu được sử dụng và các triệu chứng (như đau và sưng) được kiểm soát, bạn được khuyến khích đứng dậy và đi bộ thường xuyên. Các nghiên cứu cho thấy rằng không có nguy cơ biến chứng (ví dụ như thuyên tắc phổi) ở những người ngồi dậy và đi bộ và trên thực tế đi bộ có thể giúp bạn cảm thấy khỏe nhanh hơn.

Điều trị tan huyết khối - Trong một số trường hợp đe dọa tính mạng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề xuất một loại thuốc tiêm tĩnh mạch để làm tan cục máu đông. Điều này được gọi là điều trị tan huyết khối. Liệu pháp này được dành riêng cho những người bị biến chứng nghiêm trọng liên quan đến huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi, và những người có nguy cơ thấp bị chảy máu nghiêm trọng thấp khi sử dụng liệu pháp này. Đáp ứng với điều trị tan huyết khối tốt nhất khi bắt đầu điều trị tan huyết khối sớm sau khi chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu / thuyên tắc phổi.

Bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới- Bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới là một thiết bị ngăn chặn sự lưu thông của cục máu đông trong máu. Bộ lọc được đặt trong tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn đi từ thân dưới về tim). Bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới thường được đưa vào cơ thể qua một vết rạch nhỏ trong tĩnh mạch ở chân và đã được gây tê cục bộ. Một bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới có thể được khuyến cáo ở những người có thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không thể sử dụng thuốc chống đông máu vì nguy cơ chảy máu rất cao. Tuy nhiên, về lâu dài, các bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới thực sự có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE