XỬ LÝ VẾT THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?

XỬ LÝ VẾT THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?

07/03/2019

-

Trúc Đào

-

0 Bình luận

XỬ LÝ VẾT THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?

Theo Hiệp hội chữa lành vết thương (Wound Health Society), vết thương tạo ra do sự phá vỡ cấu trúc và chức năng giải phẫu bình thường của cơ thể. Quá trình lành vết thương là một chuỗi các sự kiện phức tạp đặc trưng là phản ứng viêm giúp tái tạo lại mô. [1]

Một vết thương được xem là cấp tính khi sinh lý của mô vết thương bình thường do đó việc lành sẽ tiến triển dần qua các giai đoạn bình thường, trong khi một vết thương mạn tính được coi là bị suy giảm về mặt chức năng sinh lý của các tế bào trong mô [2,3].

Để đảm bảo quá trình lành diễn ra tốt nhất, vết thương cần phải được tưới máu máu tốt, không còn mô/tế bào chết, không bị nhiễm trùng và phải duy trì độ ẩm. Băng vết thương không được tạo ra không gian trống trong vết thương, kiểm soát dịch tiết ra từ vết thương, ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn, đảm bảo sự cân bằng dịch, tiết kiệm chi phí và dễ dàng thực hành cho người bệnh và/hoặc nhân viên y tế. Dấu hiệu nhận thấy vết thương đang tiến triển lành tốt là sự tạo mô hạt và biểu mô hóa.

  1. Nguyên tắc chung [4,5]

Cho dù vết thương là cấp tính hay mạn tính thì các nguyên tắc chung của việc chăm sóc vết thương phải được tuân thủ để tránh nhiễm trùng vết thương và giúp việc lành vết thương được diễn ra nhanh chóng:

- Thao tác nhẹ nhàng, đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn

- Các dung dịch sát trùng da (cồn, povidine, oxy già,…) không được dùng trực tiếp lên vết thương. Lí do dung dịch sát khuẩn là hàng rào bảo vệ tránh vi khuẩn xâm nhập nhưng nó cũng có nguy cơ làm tổn thương mô hạt nên không dùng để bôi lên vết thương nếu không có chỉ định.

- Tất cả các mô chết, dị vật phải được loại bỏ (bằng nước, hóa chất, cắt lọc hoặc phẫu thuật).

- Dẫn lưu tốt (nghĩa là loại bỏ sự ứ đọng dịch, máu cũ,…) vì sự ứ dịch làm mô vết thương không có khả năng tăng sinh mô hạt làm chậm quá trình lành vết thương.

- Không tạo ra những không gian trống trong vết thương mà không được máu cung cấp.

- Các cấu trúc, cơ quan quan trọng phải được cung cấp máu tốt.

  1. Các cách chăm sóc vết thương [4]

Băng kín vết thương: tạo ra môi trường thích hợp cho sự lành vết thương do băng hấp thu dịch tốt, giúp bảo vệ vết thương không bị va chạm, tổn thương. Băng kín vết thương cũng giúp bảo vệ vết thương không bị ô nhiễm từ bên ngoài như bụi, không khí ô nhiễm, dị vật. Vết thương quá ướt hay quá khô đều làm chậm lành vết thương nên việc băng vết thương giúp duy trì độ ẩm thích hợp trên bề mặt vết thương. Ngoài ra, băng kín vết thương cũng giúp cầm máu khi băng ép hay nẹp bất động vết thương, và trên hết, băng vết thương thường tạo cho người bệnh cảm giác an tâm.

Không băng vết thương: để loại trừ những điều kiện giúp vi khuẩn mọc (ẩm, ấm, tối). Một vết thương không băng giúp nhân viên y tế quan sát, theo dõi diễn biến tình trạng vết thương dễ dàng. Hơn nữa, việc bang và tháo băng không đúng cách cũng có nguy cơ tạo thêm vết thương cho người bệnh nên việc không băng giúp tránh tổn thương thêm cũng như tránh dị ứng băng dính và tiết kiệm bông băng, dung dịch…

Kỹ thuật rửa vết thương:

Nguyên tắc: Rửa 2 lần, lần 1 với Nước muối sinh lý NaCl 0,9%, lần 2 với dung dịch sát khuẩn Povidine (dung dịch sát khuẩn chỉ bôi vùng da xung quanh vết thương, không dùng trực tiếp lên chỗ hở).

Dùng gòn sạch thấm dịch rửa vết thương theo đường thẳng từ đỉnh đến đáy và thao tác từ trong ra ngoài, từ vết cắt theo đường thẳng chạy song song với vết thương.

Luôn rửa từ vùng sạch đến vùng ít sạch và sử dụng tăm bông hoặc miếng gạc cho mỗi lần lau theo chiều đi xuống.

Đối với một vết thương đã mở, làm ẩm miếng gạc bằng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) và vắt khô dung dịch thừa, rửa vết thương theo hình 1/2 cung tròn hay cả cung tròn đi từ trung tâm ra phía ngoài.

Nên rửa cả vùng da xung quanh vết thương tối thiểu 2,5cm vượt qua phần cuối của gạc mới (sẽ dùng để băng vết thương sau khi rửa) hoặc vượt qua rìa của vết thương là 5cm.

Chú ý: Chọn miếng gạc đủ độ mềm để đưa vào chạm bề mặt vết thương. Nên sử dụng những dung dịch không gây hại với mô cơ thể và không cản trở sự lành vết thương (ví dụ nước muối sinh lý NaCl 0,9%). Miếng gạc có thể bằng chất tổng hợp hoặc cotton (cotton thường được sử dụng hơn vì nó có kẽ hở lớn, chúng giữ lại chất làm ẩm và phù hợp với vết thương).

  1. Chăm sóc y khoa

Vai trò của thuốc kháng sinh: Tất cả mọi vết thương đều tiếp xúc với vi khuẩn tuy nhiên không phải vết thương nào cũng bị nhiễm trùng [6,7]. Không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng rằng người bệnh cần phải sử dụng kháng sinh “dự phòng” khi vết thương không có dấu hiệu nhiễm trùng. Chỉ dùng kháng sinh khi người bệnh có các dấu hiệu nhiễm trùng như các dấu hiệu tại vị trí tổn thương (viêm, nổi hạch bạch huyết, tạo mủ, có mùi hôi, hoại tử, viêm tủy xương,…) và các dấu hiệu toàn thân (sốt, ớn lạnh, buồn nôn, hạ huyết áp, tăng đường huyết, tăng bạch cầu, lú lẫn) [8,9].

Kiểm soát đường huyết: Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh rằng việc kiểm soát tạm thời tốt lượng đường trong máu giúp hỗ trợ cho việc lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng [10,11], hầu hết các bác sĩ đều ưu tiên việc duy trì mức đường huyết ổn định trong quá trình điều trị vết thương và nhiễm trùng. Những người bệnh có các vết thương mạn tính thường sẽ mắc kèm các tình trạng bệnh gây suy giảm miễn dịch (ví dụ người bệnh đái tháo đường) nên khi bị nhiễm trùng sẽ không biểu hiện các triệu chứng toàn thân như sốt hay tăng bạch cầu ngay từ ban đầu [12]. Tăng đường huyết trở thành dấu hiệu nhạy cho nhiễm trùng ở những người bệnh này.

 

Tham khảo:

  1. Cohen, K.I. (200) Contemp. Surg. Suppl., The biology of wound healing. Sept, 4-8.
  2. Schultz GS, Sibbald RG, Falanga V, et al. Wound bed preparation: a systematic approach to wound management. Wound Repair Regen 2003; 11 Suppl 1:S1.
  3. Golinko MS, Clark S, Rennert R, et al. Wound emergencies: the importance of assessment, documentation, and early treatment using a wound electronic medical record. Ostomy Wound Manage 2009; 55:54.
  4. Chăm sóc vết thương, những nguyên tắc cơ bản dành cho Điều dưỡng. http://dieuduongngoai.com/cham-soc-vet-thuong-nhung-nguyen-tac-co-ban-danh-cho-dieu-duong_n58360_g785.aspx. Truy cập 12 Tháng Hai 2019.
  5. Atiyeh, B., Ioannovich, J., Al-Amm, C., & El-Musa, K. (2002). Management of Acute and Chronic Open Wounds: The Importance of Moist Environment in Optimal Wound Healing. Current Pharmaceutical Biotechnology, 3(3), 179–19
  6. Bowler PG, Duerden BI, Armstrong DG. Wound microbiology and associated approaches to wound management. Clin Microbiol Rev 2001; 14:244.
  7. Spichler A, Hurwitz BL, Armstrong DG, Lipsky BA. Microbiology of diabetic foot infections: from Louis Pasteur to 'crime scene investigation'. BMC Med 2015; 13:2.
  8. Lipsky BA, Berendt AR, Cornia PB, et al. 2012 Infectious Diseases Society of America clinical practice guideline for the diagnosis and treatment of diabetic foot infections. Clin Infect Dis 2012; 54:e132.
  9. Armstrong DG, Lipsky BA. Advances in the treatment of diabetic foot infections. Diabetes Technol Ther 2004; 6:167.
  10. Lipsky BA, Berendt AR, Deery HG, et al. Diagnosis and treatment of diabetic foot infections. Plast Reconstr Surg 2006; 117:212S.
  11. Furnary AP, Wu Y. Clinical effects of hyperglycemia in the cardiac surgery population: the Portland Diabetic Project. Endocr Pract 2006; 12 Suppl 3:22.
  12. Armstrong DG, Lavery LA, Sariaya M, Ashry H. Leukocytosis is a poor indicator of acute osteomyelitis of the foot in diabetes mellitus. J Foot Ankle Surg 1996; 35:280.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE