TRIỆU CHỨNG VÀ CHỮA TRỊ BỆNH CÚM.

TRIỆU CHỨNG VÀ CHỮA TRỊ BỆNH CÚM.

21/02/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

TRIỆU CHỨNG VÀ CHỮA TRỊ BỆNH CÚM.

MỞ ĐẦU

 — Cúm là bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao và có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn ở bất kì độ tuổi nào. Cúm xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng mùa đông bởi vì mọi người dành nhiều thời gian tiếp xúc gần với nhau hơn. Cúm lây truyền dễ dàng từ người sang người thông qua ho, hắt hơi hoặc qua những tiếp xúc trên cơ thể.

Mỗi năm, biến chứng của cúm làm hơn 200,000 người ở Mỹ phải nhập viện. Bệnh cúm sẽ nặng hơn khi xảy ra ở trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có vấn đề sức khỏe nhất định như hen phế quản hoặc một dạng bệnh về phổi khác.

Những đợt bùng nổ của bệnh cúm trên diện rộng (được gọi là đại dịch) đã gây ra cái chết cho nhiều người trên thế giới. Những đợt bùng nổ này xảy ra khi có những dòng virus cúm mới đươc hình thành (thường từ lợn và động vật họ chim) và con người bị nhiễm những dòng virus này bởi vì chúng ta chưa có miễn dịch với chúng.

Bài này nói về các triệu chứng và cách điều trị cúm mùa, cúm lợn H1N1, cúm gia cầm. 

TRIỆU CHỨNG CÚM 

— Triệu chứng cúm mùa có thể khác giữa người này với người khác nhưng thường gồm:

●Sốt (nhiệt độ cao hơn 37,8ºC)

●Đau đầu và đau cơ

●Mệt mỏi

●Ho và đau họng

Nhiều người mắc bệnh cúm thường sốt 2 đến 5 ngày. Điều này không giống với sốt gây ra bởi các virus khác thường gặp ở đường hô hấp trên, khi sốt thường hết sau 24 đến 48 giờ.

Hầu hết mọi người bị cúm có sốt và đau cơ, và một vài người có những triệu chứng giống bị cảm lạnh (sổ mũi, đau họng). Các triệu chứng của bệnh cúm luôn luôn hết sau 2 đến 5 ngày, mặc dầu bệnh có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn. Tình trạng yếu cơ và mệt mỏi có thể kéo dài trong vài tuần (Xem Bảng 1.)

Bảng 1. Liệu tôi đang bị cảm lạnh hay đã mắc bệnh cúm?

Triệu chứng

Cảm lạnh

Cúm

Sốt

Hiếm

Luôn luôn (>37,8ºC, cao hơn ở trẻ em); kéo dài 3-4 ngày

Đau đầu

Hiếm

Phổ biến

Đau nhức cơ thể

Nhẹ

Luôn luôn; thường nặng

Mệt mỏi, yếu cơ

Thi thoảng

Luôn luôn; có thể kéo dài 2-3 tuần

Cực kì mất sức

Không bao giờ

Luôn luôn; bắt đầu ngay từ khi nhiễm virus

Ngạt mũi

Phổ biến

Thi thoảng

Hắt hơi

Luôn luôn

Thi thoảng

Đau họng

Phổ biến

Thi thoảng

Nặng ngực, khó thở, ho

Nhẹ tới trung bình, chỉ ho khan

Phổ biến; có thể diễn tiến nặng

Biến chứng của bệnh cúm

 — Biến chứng cúm xảy ra ở một số người; phổ biến nhất là viêm phổi. Viêm phổi là một nhiễm trùng nặng ở phổi và khả năng nhiều xảy ra ở trẻ em, người lớn hơn 65 tuổi, người sống ở cơ sở chăm sóc thời gian dài (viện dưỡng lão), và người hiện có các bệnh khác như đái tháo đường hoặc những bệnh ảnh hưởng đến tim, phổi. Viêm phổi phổ biến hơn ở những người có hệ thống miễn dịch yếu, như những người vừa ghép tạng. 

CHẨN ĐOÁN BỆNH CÚM 

— Cúm thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng (sốt, ho, và đau nhức cơ thể). Các xét nghiệm kiểm tra bệnh cúm được thực hiện trong những trường hợp nhất đinh như trong một đợt bùng phát dịch cúm mới ở cộng đồng và trên những người bệnh có nguy cơ cao phát triển các biến chứng bệnh cúm.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CÚM

Khi nào cần sự hỗ trợ — Hầu hết mọi người bị cúm bình phục trong một đến hai tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những biến chứng nghiêm trong có thể xảy ra. Liên hệ bác sĩ của bạn ngay nếu:

●Bạn cảm thấy khó thở hoặc có các vấn đề khác về đường thở

●Bạn bị đau hay cảm giác đè nén vùng ngực, bụng

●Bạn có dấu hiệu của mất nước, như chóng mặt khi đứng hoặc không đi tiểu

●Bạn cảm thấy lú lẫn

●Bạn nôn ói nhiều nhưng không thể uống bù đủ lượng dịch bị mất

Ở trẻ em, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ nếu đứa trẻ có bất cứ biểu hiện nào ở trên hoặc nếu trẻ:

●Trở nên tím tái / da xanh xao

●Khó chịu, không cho người lớn bế bồng

●Không chảy nước mắt khi khóc (ở trẻ sơ sinh)

●Sốt, nổi mẩn đỏ ở da

●Gọi không thức dậy

Có một số nhóm người có nguy cơ cao bị mắc biến chứng của cúm bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em (<5 tuổi và đặc biệt là <2 tuổi), những người già ≥65 tuổi, và những người mắc các bệnh như bệnh phổi mãn tính (ví dụ hen suyễn), bệnh tim, tiểu đường, tình trạng suy giảm miễn dịch (ví dụ nhiễm HIV hoặc vừa phẫu thuật ghép tạng) và một số bệnh khác. Nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng cúm và thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng cúm, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ nhé.

Điều trị những triệu chứng

 — Điều trị những triệu chứng của bệnh cúm có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhưng sẽ không làm bệnh cúm hết nhanh hơn được.

● Nghỉ ngơi cho đến khi khỏi cúm hoàn toàn, đặc biệt nếu bạn bị nặng.

● Nước - Uống đủ nước để bạn không bị mất nước. Một cách để đánh giá xem liệu bạn đã uống đủ nước hay chưa là nhìn vào màu của nước tiểu. Thông thường, nước tiểu nên có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu. Nếu bạn uống đủ, bạn nên đi tiểu mỗi ba đến năm giờ.

● Thuốc ho thường không hữu ích; ho thường hết mà không cần điều trị. Chúng tôi không khuyên dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm lạnh cho trẻ em <6 tuổi.

Điều trị kháng virus 

— Thuốc diệt virus có thể được sử dụng để điều trị hoặc phòng ngừa cúm. Khi được sử dụng như một phương pháp điều trị, thuốc không giúp loại bỏ các triệu chứng cúm, mặc dù thuốc có thể làm giảm mức độ nặng và thời gian của các triệu chứng đi khoảng một ngày. Không phải mọi người bị cúm đều cần thuốc kháng virus, nhưng một số người sẽ cần tới đấy; quyết định dùng thuốc kháng virus hay không dựa trên một số yếu tố. Nếu bạn bị bệnh nặng và / hoặc có các yếu tố nguy cơ làm tang khả năng mắc các biến chứng của bệnh cúm thì bạn sẽ cần tới thuốc kháng virus. Những người chỉ bị bệnh nhẹ và không có yếu tố nguy cơ mắc các biến chứng thường chỉ được điều trị bằng thuốc kháng virus nếu họ biểu hiện các triệu chứng trong vòng 48 giờ hoặc sớm hơn. Và ngược lại, nếu họ đã biểu hiện các triệu chứng hơn 48 giờ rồi thì sẽ không được điều trị bằng thuốc kháng virus nữa.

Lựa chọn loại thuốc kháng virus nào là tốt nhất còn tùy thuộc vào chủng virus cúm bạn mắc là gì, chủng virus đã kháng thuốc chưa và một số yếu tố cơ địa khác. Bác sĩ sẽ là người đưa ra quyết định.

Tác dụng phụ

— Zanamivir và oseltamivir có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ, bao gồm buồn nôn và nôn; zanamivir được dùng dạng hít, có thể gây khó thở trong một số trường hợp. Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến nhất của peramivir. Hầu hết mọi người có thể tiếp tục dùng thuốc mặc dù có tác dụng phụ.

Thuốc kháng sinh

 — Thuốc kháng sinh KHÔNG có tác dụng điều trị các bệnh do virus như cúm. Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu xuất hiện các biến chứng gây ra do vi khuẩn như viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng tai hoặc viêm xoang. Kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ và dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế 

— Để điều trị bệnh cúm có rất nhiều loại thảo dược, vi lượng đồng căn liệu pháp và các phương pháp điều trị hỗ trợ, thay thế khác được quảng cáo trên thị trường. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài nghiên cứu được thực hiện để đánh giá hiệu quả và an toàn của những phương pháp này.

PHÒNG NGỪA CÚM

CÚM LỢN H1N1 — Một chủng cúm H1N1 mới mang các đặc điểm của virus cúm lợn, virus cúm gia cầm và virus cúm ở người lần đầu tiên xuất hiện và lây nhiễm trên người vào tháng 3 năm 2009 tại Mexico. Sự lây nhiễm trên người sau đó đã bùng nổ khắp thế giới và tạo nên một đại dịch kéo dài đến tháng 8 năm 2010.

Các triệu chứng nhiễm virus cúm lợn H1N1 và cách điều trị tương tự như bệnh cúm mùa.

CÚM GIA CẦM — Cúm gia cầm là do một chủng virus cúm ban đầu gây ra cho các động vật họ chim. Những động vật bị nhiễm bệnh bao gồm gà, vịt, ngỗng và một số loài khác.

Có nhiều chủng virus cúm gia cầm; H5N1 là chủng virus gây lo ngại vì nó đã dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ở người, chủ yếu ở châu Á. Một chủng virus cúm gia cầm khác gây bệnh ở người được gọi là H7N9. Cho đến nay, cúm gia cầm chủ yếu lây từ chim sang chim và ít phổ biến hơn từ chim sang người; lây truyền từ người sang người hiếm khi xảy ra. Hầu hết những người bị nhiễm cúm gia cầm có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm đang nhiễm bệnh / đã chết hoặc chim hoang dã hoặc gần đây đã đến một khu vực chợ bán gia cầm sống. Ở Hoa Kỳ hoặc các nơi khác ở Bắc Mỹ chưa có trường hợp nào người mắc cúm gia cầm được ghi nhận. 

Bệnh cúm gia cầm thường rất nặng và số người có khả năng miễn dịch với bệnh là rất ít. Ít nhất một loại thuốc chống virus có thể nâng cao cơ hội sống sót sau khi bị nhiễm virus cúm.

Có một loại vắc-xin để ngăn ngừa bệnh cúm gia cầm. Vắc-xin này không có sẵn trên thị trường nhưng đã được chính phủ Hoa Kỳ dự trữ trong trường hợp được cần thiết trong tương lai.

TAGS: BỆNH CÚM, HDCACRE

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE