1. Tác dụng
Thuốc điều trị trầm cảm có tác dụng:
- Ổn định sức khỏe tinh thần quay lại hòa nhập với các công việc thường ngày.
- Giảm các triệu chứng trầm cảm
- An thần
Mỗi loại thuốc có cơ chế tác động khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều tác động đến các chất hóa học trong não.
2. Nên lựa chọn loại thuốc nào?
Bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định loại thuốc điều trị cho bệnh nhân dựa trên tiền sử đáp ứng thuốc trước đây của cá nhân và gia đình. Nếu trước đây bệnh nhân đã từng đáp ứng tốt với bất cứ thuốc nào thì đây là lựa chọn tốt để bắt đầu lần trị liệu nào. Đa số người bệnh chỉ cần điều trị 1 loại thuốc nhưng một số cần đến 2 loại mới kiểm soát tốt triệu chứng.
Nếu thuốc được kê đơn đầu tiên không phát huy hiệu quả như mong muốn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị. Đôi khi, bệnh nhân phải thử qua nhiều loại thuốc khác nhau mới tìm được lựa chọn tốt nhất cho mình.
3. Sử dụng thuốc bao lâu thì có hiệu quả?
Thông thường, các loại thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng sau 2 tuần sử dụng và đáp ứng đầy đủ trong 4-6 tuần, một số lên đến 12 tuần. Nếu sau 2-3 tuần sử dụng mà không thấy cải thiện triệu chứng, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để có các điều chỉnh thích hợp.
4. Phải uống thuốc trong bao lâu?
Phần lớn quá trình điều trị kéo dài ít nhất 6-9 tháng. Nếu trầm cảm nặng, điều trị có thể kéo dài 1 năm đến 2 năm. Một người đã khỏi bệnh vẫn có khả năng tái phát.
Không nên ngưng thuốc đột ngột vì có thể làm tình trạng bệnh nặng lên.
5. Tác dụng phụ
Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một vài tác dụng phụ nhưng thường biến mất sau vài tuần sử dụng. Nếu các tác dụng phụ này gây khó chịu và cản trở cuộc sống, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để có hướng thay đổi phù hợp.
Mỗi loại thuốc sẽ có các tụng phụ khác nhau, trong đó thường gặp nhất là:
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn, hồi hộp
- Rối loạn giấc ngủ
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Nôn, buồn nôn
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, táo bón
- Khô miệng
- Giảm khoái cảm tình dục
- Tăng cân
6. Các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay
Một số loại thuốc chống trầm cảm hiện nay đang được sử dụng là:
- SSRIs (Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) – citalopram, fluoxetine, paroxetine, sertraline, v.v. Đây là nhóm thuốc thường được các thầy thuốc chọn lựa để điều trị trầm cảm, vì có hiệu quả cao và ít gây ra tác dụng phụ so với các loại thuốc chống trầm cảm khác. Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc nảy là ức chế sự tái hấp thu serotonin, là một chất dẫn truyền thần kinh có trong não, nên có tác dụng làm giảm các triệu chứng trầm cảm.
Nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI có thể gây ra các tác dụng phụ: buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn chức năng tình dục, khô miệng, tiêu chảy, giảm cân, mất ngủ…
- SNRIs (Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin) – Desvenlafaxin, duloxetin, venlafaxine, v.v. Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrin trong não.
Nhóm thuốc SNRI thường gây ra các tác dụng phụ: buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi, rối loạn chức năng tình dục, táo bón...
- Nhóm thuốc chống trầm cảm không điển - bupropion, mirtazapin, trazodone, v.v. Tương tự với các thuốc chống trầm cảm khác, cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh dopamin, serotonin và norepinephrin trong não.
Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này: khô miệng, táo bón, chóng mặt, an thần, hạ huyết áp….
- TCAs (Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng) – amitriptylin, desipramine, doxepin, imipramine…
Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng tuy mang lại hiệu quả cao trong điều trị, nhưng do gây ra nhiều tác dụng phụ nên hiện nay ít được sử dụng.
Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc TCA tương tự như SNRI: hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrin trong não. Ngoài ra, còn ngăn chặn các thụ thể muscarinic M1, histamine H1 và alpha-adrenergic.
Nhóm thuốc này thường gây ra các tác dụng phụ: khô miệng, táo bón, mờ mắt, bí tiểu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, suy giảm trí nhớ, hạ huyết áp, rối loạn chức năng tình dục, v.v.
- MAOIs (Nhóm thuốc ức chế monoamine): tranylcypromin, phenelzin, isocarboxazid…
Đây là nhóm thuốc thường gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, nên chỉ được sử dụng khi các nhóm thuốc khác không có tác dụng điều trị.
Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ngăn chặn sự hoạt động của enzym monoamin oxydase, là một loại enzyme phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrin, serotonin và dopamine trong não
Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc MAOI: hạ huyết áp tư thế, tăng cân và rối loạn chức năng tình dục.
7. An toàn khi dùng thuốc
Khi gặp bất cứ vấn đề gì, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Thuốc trầm cảm có thể gây tác dụng không mong muốn khi dùng chung với các loại thuốc khác. Do vậy, người bệnh cần luôn khai báo đầy đủ các thuốc đang sử dụng cho bác sĩ điều trị.