SUY TIM VÀ NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRƯỚC CHO BẠN !

SUY TIM VÀ NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRƯỚC CHO BẠN !

12/02/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

SUY TIM VÀ NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRƯỚC CHO BẠN !

TỔNG QUAN

Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Suy tim là con đường chung cuối cùng của hầu hết các bệnh lí tim mạch. Người bệnh bị suy tim sẽ suy giảm khả năng hoạt động, suy giảm chất lượng sống, tùy từng mức độ sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau. Ngoài ra người bệnh suy tim nặng sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao do các rối loạn nhịp và các đợt suy tim mất bù. 

Các triệu chứng phổ biến nhất của suy tim là khó thở, mệt mỏi, phù chân và phù các vị trí khác trên cơ thể. 

Mặc dù suy tim là một bệnh lí nghiêm trọng nhưng có thể điều trị và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. 

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng thảo luận về các nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị suy tim.

PHÂN LOẠI

Tim giống như một máy bơm gồm bốn buồng: tâm nhĩ phải, tâm thất phải, tâm nhĩ trái và tâm thất trái (hình 1). Máu từ tĩnh mạch chủ vào tâm nhĩ phải rồi xuống tâm thất phải. Từ tâm thất phải máu được bơm vào phổi để nhận oxy, sau đó theo tĩnh mạch phổi trở về tim thông qua tâm nhĩ trái. Máu trong tâm nhĩ trái chảy vào tâm thất trái, bơm máu ra động mạch chủ để đưa oxy đến não, cơ bắp và các cơ quan và mô khác. Trong thời gian hoạt động thể lực (như leo cầu thang), cơ thể cần nhiều oxy hơn. Khi tim bị suy, không thể đảm bảo nhu cầu tăng oxy này của cơ thể. 

Có hai loại suy tim chính. Phân loại dựa trên "phân suất tống máu" (chỉ số cho biết khả năng bơm máu của tâm thất trái ) được giảm hay bảo tồn:

  • Trong suy tim với phân suất tống máu giảm, còn gọi là suy tim tâm thu, khả năng bóp của tim bị yếu đi do đó giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể. 

  • Trong suy tim với phân suất tống máu bình thường, còn gọi là suy tim tâm trương, tim mất khả năng dãn nở, đàn hồi kém. 

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY SUY TIM

Suy tim là bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của tim. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, có thể điều trị ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của suy tim. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim bao gồm:

Tăng huyết áp — Ở những người bị huyết áp cao (còn gọi là tăng huyết áp), tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Theo thời gian phải làm việc quá sức, có thể  làm giảm khả năng thư giãn và làm đầy máu của tim. 

Bệnh mạch vành — Ở những người mắc bệnh tim mạch vành, các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn do các mảng xơ vữa dẫn đến giảm lưu lượng máu nuôi tim. Kết quả là cơ tim bị thiếu oxy và tổn thương, các tổn thương này là vĩnh viễn và không thể hồi phục làm giảm chức năng tim.

Bệnh cơ tim — Là bệnh mà trong đó cơ tim không co bóp hoặc thư giãn bình thường, nhưng nguyên nhân không phải do huyết áp cao hay bệnh tim mạch vành. Bệnh cơ tim có thể liên quan đến một số rối loạn tự miễn dịch, đột biến gen hoặc nhiễm trùng; tuy nhiên, thường không rõ nguyên nhân. 

Bệnh van tim — van tim có nhiệm vụ giữ cho máu lưu thông đúng chiều. Khi van tim bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của máu trong cơ thể. 

  • Van có thể bị hẹp, gây cản trở lưu lượng máu qua van và làm tăng áp lực trong tim.

  • Trong các trường hợp khác, van có thể đóng không kín khiến máu chảy không hết và ứ lại. 

Thỉnh thoảng, một van vừa có thể bị hở vừa có thể bị hẹp cùng lúc. 

TRIỆU CHỨNG

Khi lượng máu đi nuôi cơ quan không đủ có thể gây ra các triệu chứng. 

  • Khó thở, khó thở khi gắng sức, khi nằm khiến bệnh nhân phải kê cao gối khi nằm

  • Mệt mỏi

  • Chóng mặt

  • Tim đập nhanh ngay cả khi nghỉ ngơi

  • Phù chân, phù bụng

  • Giảm cân ( khi suy tim nặng)

PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN

Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ hỏi lịch sử y tế cẩn thận và thực hiện kiểm tra thể chất. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp. Nghe tim nghe phổi bệnh nhân để kiểm tra dấu hiệu tắc nghẽn và tìm tiếng tim bất thường gợi ý suy tim. Bác sĩ có thể kiểm tra tĩnh mạch ở cổ và kiểm tra các sự tích tụ dịch ở bụng và chân. Sau khi khám sức khỏe, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân làm một số các xét nghiệm:

Điện tâm đồ (ECG) – Xét nghiệm này nhằm ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn liền với da. Xung được ghi nhận là sóng và hiển thị trên màn hình hoặc in trên giấy. Điện tâm đồ giúp phát hiện các nhịp tim bất thường và cơn đau tim.

  • Xét nghiệm máu NT-proBNP: NT-proBNP (N-terminal pro B-type natriuretic peptide) là peptid gồm 76 acid amin. Tiền thân của NT-proBNP là pre-pro-peptid bao gồm 134 acid amin. Pre-pro-peptid tách ra thành: proBNP (108 gốc acid amin) và một đoạn peptid tín hiệu (26 gốc acid amin). Khi được giải phóng vào trong máu, proBNP sẽ bị thủy phân bởi một enzyme protease là furin, tạo thành NT-proBNP (76 acid amin) và BNP (32 acid amin).

Ở người, NT-proBNP và BNP có hàm lượng lớn trong cơ tâm thất trái, hàm lượng nhỏ trong mô tâm nhĩ và cơ tâm thất phải. Khi tăng sức nén huyết động học tại tim (thành tim bị giãn, phì đại hoặc tăng áp lực tác động lên thành tim), NT-proBNP sẽ tăng phóng thích. NT-proBNP gia tăng nồng độ ở bệnh nhân suy tim

NT-proBNP được thải trừ thụ động, chủ yếu là qua thận. Xét nghiệm định lượng NT- proBNP có độ nhạy cao và thông dụng hơn BNP trong chẩn đoán bệnh suy tim.

  • Xquang ngực: Hình ảnh giúp bác sĩ thấy tình trạng của phổi và tim. Trong suy tim, tim có thể xuất hiện giãn to có thể tích tụ dịch được nhìn thấy trong phổi. Bác sĩ cũng có thể sử dụng X quang để chẩn đoán các điều kiện khác hơn là suy tim, có thể giải thích các dấu hiệu và triệu chứng.

  • Siêu âm tim – Xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán và theo dõi suy tim là siêu âm tim. Siêu âm tim cũng giúp phân biệt suy tim tâm thu từ suy tim tâm trương, trong đó tim cứng và không thể làm đúng cách. Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo ra một hình ảnh video của tim. Hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xác định tim bơm như thế nào, bằng cách đo tỷ lệ phần trăm của máu được bơm ra khỏi buồng tâm thất trái với mỗi nhịp đập của tim. Điều này được gọi là phân số tống máu. Siêu âm tim cũng có thể tìm các vấn đề van hoặc bằng chứng của cơn đau tim trước đó, cũng như một số nguyên nhân khác thường của suy tim.

  • Test gắng sức – Là test kiểm tra sự đáp ứng của tim và mạch máu với gắng sức. Có thể cho bệnh nhân đi bộ trên máy chạy bộ hay đạp xe đạp gắn kèm với máy điện tâm đồ. Hoặc có thể dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, kích thích tim tương tự như gắng sức. Thử nghiệm gắng sức giúp các bác sĩ xem bệnh nhân có bệnh mạch vành hay không và xác định khả năng bơm của tim nhờ đó giúp quyết định, hướng dẫn điều trị lâu dài. 

  • Thông tim – Thông tim là một kỹ thuật dùng ống thông, đi theo đường mạch máu lớn vào trong tim. Nhờ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được các bất thường, tổn thương về mặt giải phẫu lẫn sinh lý của tim và mạch máu nuôi tim. Bên cạnh đó, thông tim còn giúp đo đạc được các thông số huyết động học, bao gồm các áp lực mạch máu và áp lực buồng tim, cung lượng tim, độ bão hoà oxy.

  • Các xét nghiệm khác – Chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) đều có thể dùng để hỗ trợ chẩn đoán suy tim. Ví dụ, chụp MRI có thể phát hiện viêm tim. Chụp CT đôi khi được sử dụng để kiểm tra sự toàn vẹn của các động mạch vành.

BIẾN CHỨNG CỦA SUY TIM

Suy tim có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: 

  • Rối loạn nhịp–  Rối loạn nhịp có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn một số rối loạn cũng có thể gây ra cục máu đông khiến máu dồn vào tâm nhĩ trái. Các cục máu đông có thể nguy hiểm vì nếu chúng di chuyển đến não, có thể dẫn đến đột quỵ. Một số rối loạn nhịp tim bất thường có thể đe dọa tính mạng. 

  • Bệnh thận – Bệnh có thể là hệ quả của bệnh suy tim những cũng có thể  trở nặng do suy tim vì làm giảm lưu lượng máu đến hoặc từ thận. Bệnh thận cũng có thể làm suy tim nặng hơn.

  • Bệnh gan – Do máu chảy về tim bị ứ ở gan. 

CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ

Suy tim là một tình trạng mãn tính. Mặc dù có những phương pháp điều trị có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm tiến trình suy tim, nhưng trong hầu hết các trường hợp, đây là một tình trạng cần điều trị suốt đời.Điều trị suy tim gồm tháy đổi lối sống, hoạt động và lấy điều trị nội khoa làm nền tảng, kết hợp giải quyết các nguyên nhân suy tim như tái thông mạch vành, phẫu thuật thay van, sửa van, phẫu thuật sửa chữa các bệnh lí tim bẩm sinh…Có thể cấy máy tái đồng bộ tim (CRT), máy phá rung (ICD) khi có chỉ định

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống — Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống thường được khuyến khíc trong điều trị suy tim.

  • Theo dõi cân nặng hằng ngày – Để theo dõi, bạn sẽ cần tự cân mỗi ngày cùng trên một cái cân và cùng thời điểm trong ngày.(ví dụ, vào buổi sáng sau khi đi tiểu nhưng trước khi ăn sáng). Và chắc chắn mặc cùng một lượng quần áo mỗi lần bạn tự cân. Nếu cân nặng của bạn tăng thêm 2 pound (khoảng 1 kg) trong một ngày hoặc bốn pound (2 kg) trong một tuần thì nên đến gặp bác sĩ. Tăng cân đột ngột là một dấu hiệu cho thấy  sự ứ dịch trong cơ thể. bạn có thể giữ được nhiều chất lỏng hơn mức cần thiết.

  • Hạn chế hấp thu muối và nước – Muối trong chế độ ăn uống khiến cơ thể giữ nước trong hệ tuần hoàn. Do đó, việc hạn chế lượng muối (natri) trong thực phẩm bạn ăn có thể giúp kiểm soát suy tim. 

Lượng chất lỏng bạn uống cũng rất quan trọng. Đối với những người bị suy tim nặng, các bác sĩ thường khuyên nên uống ít hơn 2 lít chất lỏng mỗi ngày. Điều này bao gồm nước cũng như tất cả các chất lỏng khác như canh, trái cây,…. 

  • Duy trì cân nặng phù hợp – Nếu thừa cân, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu và oxy cho cơ thể. Duy trì cân nặng khỏe mạnh làm giảm gánh nặng cho  tim. Mặt khác, giảm cân nhanh chóng mà không cần cố gắng có thể là dấu hiệu của suy tim nặng.  

  • Ngưng hút thuốc– Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị đau tim và có thể làm suy tim nặng hơn. 

  • Hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn – Uống quá nhiều rượu không tốt cho tim và sức khỏe nói chung. Người bị suy tim không nên uống nhiều hơn một khẩu phần rượu mỗi ngày. ( không quá 350ml bia). Nếu suy tim là do nguyên nhân rượu bia thì bệnh nhân nên ngưng hoàn toàn. 

  • Tập thể dục thường xuyên – Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần có thể giúp cải thiện thể lực tim mạch và tăng cường cơ bắp. Kết quả là, giúp cải thiện các triệu chứng như khó thở và mệt mỏi, thường gặp ở những người bị suy tim. 

Dùng thuốc — Thuốc thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng suy tim; một số loại thuốc thậm chí đã được chứng minh là có khả năng kéo dài cuộc sống. Điều rất quan trọng là uống thuốc đúng giờ mỗi ngày. 

Có một số khác biệt trong các loại thuốc dùng để điều trị suy tim với phân suất tống máu giảm và suy tim với phân suất tống máu được bảo tồn.

Thuốc điều trị suy tim có phân suất tống máu giảm —  Hầu hết bệnh nhân phải phối hợp ba loại thuốc này cùng lúc để điều trị.

  • Thuốc lợi tiểu – Bệnh nhân suy tim thường  bị phù ở chân và tụ dịch trong phổi. Thuốc loiwj tiểu giúp cơ thể bạn loại bỏ chất lỏng dư thừa này. Khi dùng đòi hỏi sự theo dõi và điều chỉnh cẩn thận của bác sĩ lâm sàng, cân nhắc những thay đổi trong chế độ ăn uống với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

  • Thuốc ức chế men chuyển, ARNI, hoặc ARB – Thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin ("ARNI") và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (gọi là "ARB") làm cho tim bạn dễ bơm máu hơn và trực tiếp cải thiện chức năng tim. Bệnh nhân chỉ nên dùng một trong những loại thuốc này. Một thuốc ARNI thường chứa ARB cộng với một loại thuốc khác. Tất cả các loại thuốc này cũng bảo vệ tim khỏi các tác động của hormone có thể xảy ra khi suy tim. Thuốc ức chế men chuyển đôi khi có thể gây ho khan, trong trường hợp đó, có thể thay thế bằng ARNI hoặc ARB. Những loại thuốc này cũng giúp kéo dài cuộc sống. Những người bị phù mạch không nên dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ARNI.

Các thuốc ức chế men chuyển thường dùng gồm enalapril, captopril và lisinopril (tên thương mại: Zestril). ARNI sacubitril-valsartan (tên thương mại: Entresto) chứa hai loại thuốc trong một viên: một là ARB valsartan; hai là sacubitril, giúp cơ thể bạn giữ lại ít chất lỏng hơn và giãn mạch máu. Ví dụ về ARB chỉ gồm một thành phần như candesartan (tên thương mại: Atacand) và valsartan (tên thương mại: Diovan).

  • Thuốc chẹn beta – Thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp. Những loại thuốc này cũng bảo vệ tim khỏi tác động bất lợi của một số hormone được tăng lên khi một người bị suy tim. Phải mất một thời gian sau điều trị thuốc mới phát huy hiệu quả. Thuốc này cũng giúp kéo dài cuộc sống. Để giảm thiểu tác dụng phụ, nên dùng với liều thấp và sau đó tăng liều khi cần thiết sau mỗi vài tuần.Một số thuốc chẹn beta  thường dùng như carvedilol (tên thương mại: Coreg), metoprolol Toprol XL) và bisoprolol.

Ivabradine (tên thương mại: Corlanor) cũng là một loại thuốc được sử dụng để làm chậm nhịp tim và dùng thay thế khi bệnh nhân không thể fungf chẹn beta.  Ngoài các loại thuốc trên, nhiều người cũng cần dùng các loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng. Như: 

  • Thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid – Thuốc đối kháng thụ thể mineralcorticoid là một loại thuốc lợi tiểu giúp cơ thể loại bỏ thêm muối và chất lỏng. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng giữ kali. Khi dùng loại thuốc này, điều rất quan trọng là phải xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra nồng độ kali và đánh giá chức năng thận. Tên một thuốc hay dùng như spironolactone (tên thương mại: Aldactone) và eplerenone (tên thương mại: Inspra). 

  • Thuốc ức chế SGLT2 – Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Một trong số đó là dapagliflozin (tên thương mại: Farxiga), cũng có thể được sử dụng để điều trị suy tim với phân suất tống máu giảm. 

  • Nitrate và hydralazine – Một nitrate và hydralazine cùng phối hợp với nhau giúp giãn mạch máu để tim dễ dàng bơm máu đi khắp cơ thể. Một số trường hợp, sự kết hợp thuốc này được sử dụng ở những người không thể dùng thuốc ức chế men chuyển, ARB hoặc ARNI. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy việc thêm nitrat và hydralazine vào các loại thuốc khác (như thuốc ức chế men chuyển) thường có lợi ở người Mỹ gốc Phi bị suy tim. Thật không may, các loại thuốc thường gây ra tác dụng phụ (như đau đầu và buồn nôn), vì vậy đây không phải là lựa chọn đầu tay khi điều  trị.. 

  • Digoxin – Digoxin giúp tăng khả năng co bóp của tim và giảm các triệu chứng của suy tim.  

Các loại thuốc điều trị cho suy tim với phân suất tống máu bảo tồn:

  • Thuốc lợi tiểu – Bệnh nhân suy tim thường  bị phù ở chân và tụ dịch trong phổi. Thuốc loiwj tiểu giúp cơ thể bạn loại bỏ chất lỏng dư thừa này. Khi dùng đòi hỏi sự theo dõi và điều chỉnh cẩn thận của bác sĩ lâm sàng, cân nhắc những thay đổi trong chế độ ăn uống với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

  • Thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid – Thuốc đối kháng thụ thể mineralcorticoid là một loại thuốc lợi tiểu giúp cơ thể loại bỏ thêm muối và chất lỏng. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng giữ kali. Khi dùng loại thuốc này, điều rất quan trọng là phải xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra nồng độ kali và đánh giá chức năng thận. Tên một thuốc hay dùng như spironolactone (tên thương mại: Aldactone) và eplerenone (tên thương mại: Inspra). 

  • Thuốc kiểm soát huyết áp – Nếu bệnh nhân bị cao huyết áp, bác sĩ sẽ kê đơn để kiểm soát huyết áp cho người bệnh. 

Điều trị rối loạn nhịp — Một số bệnh nhân suy tim có rối loạn nhịp đi kèm. Có những rối loạn có thể điều trị bằng thuốc, một số cần đặt máy khử rung tim cấy dưới da ICD. ICD là một thiết bị cấy dưới da thông qua các tĩnh mạch ở ngực đến tim với dây nhỏ. Theo dõi nhịp tim. Nếu tim bắt đầu đập ở một nhịp nguy hiểm, hoặc nếu ngừng tim, ICD cố gắng sốc nó quay trở lại nhịp điệu bình thường.

Máy tạo nhịp tim (CRT) . Máy tạo nhịp tim gửi xung điện đúng thời điểm đến cả tâm thất trái và phải, để bơm hiệu quả hơn. Có đến một nửa số người bị suy tim có vấn đề với hệ thống điện tim. Co cơ tim không hiệu quả có thể làm suy tim xấu đi. Thường thì máy tạo nhịp tim hai buồng thất được kết hợp với ICD cho những người bị suy tim.

Đặt stent — Nếu động mạch bị chặn đóng góp đến suy tim, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật động mạch vành. Trong tiến trình này, một đoạn mạch máu từ cánh tay, chân hay ngực thay thế mạch bị chặn trong tim để cho phép máu chảy qua tự do hơn. 

Điều trị suy tim tiến triển — Ghép tim có thể cần thiết cho một số người bị suy tim nặng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, cần phải sàng lọc bệnh nhân cẩn thận. Ngoài ra, số lượng tim hiến còn hạn chế vì vậy hầu hết mọi người phải chờ đợi hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi có trái tim mới. Những người được ghép tim được theo dõi chặt chẽ trước và sau phẫu thuật, vì có rất nhiều rủi ro. 

Trong khi chờ ghép bệnh nhân có thể gắn tạm một thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD),  Các thiết bị cơ học được cấy vào trong bụng hoặc ngực và gắn liền với tim bị suy yếu để giúp nó bơm. Các bác sĩ sử dụng máy bơm tim để giữ cho trái tim còn sống trong khi chờ đợi tim hiến tặng.

LVADs hiện nay đôi khi được dùng như là một thay thế cho việc cấy ghép. Máy bơm cấy ghép tim có thể kéo dài và cải thiện cuộc sống của một số người bị suy tim nặng, những người không đủ điều kiện hoặc có thể trải qua cấy ghép tim hoặc đang chờ đợi tim mới để cấy ghép.
 

HƯỚNG DẪN TỰ CHĂM SÓC ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN SUY TIM

Bệnh nhân suy tim cần lưu ý một vài điều sau đây: 

  • Đảm bảo uống thuốc theo chỉ dẫn.Không bỏ liều

  • Thông báo với bác sĩ điều trị các tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng

  • Chú ý sự tiến triển của các triệu chứng bệnh và báo cho bác sĩ điều trị khi có sự thay đổi nặng lên của các triệu chứng đó.

Khi nào thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ — Khi có các triệu chứng sau:

  • Khó thở nặng

  • Ho tăng lên nhiều đặc biệt là ho ra đàm bọt hồng

  • Đau ngực không giảm sau 15p nghỉ ngơi, không đáp ứng với nitroglycerin ngậm dưới lưỡi.

  • Ngất

  • Khó thở càng ngày càng tăng

  • Phù chân

  • Tăng 1kg/ngày hoặc 2kg/tuần

  • Nhịp tim nhanh

NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ho KK, Pinsky JL, Kannel WB, Levy D. The epidemiology of heart failure: the Framingham Study. J Am Coll Cardiol 1993; 22:6A.

  2. Kannel WB, Ho K, Thom T. Changing epidemiological features of cardiac failure. Br Heart J 1994; 72:S3.

  1. Konstam M, Dracup K, Baker D, et al. Heart failure: evaluation and care of patients with left v entricular systolic dysfunction. Clinical practice guideline No. 11 AHCPR publication No. 94-0 612. Agency for Health Care Policy and Research, Rockville, MD 1994.

  2. Levy D, Larson MG, Vasan RS, et al. The progression from hypertension to congestive heart failure. JAMA 1996; 275:1557.

  3. Rich MW. Epidemiology, pathophysiology, and etiology of congestive heart failure in older adults. J Am Geriatr Soc 1997; 45:968.

  4. Vasan RS, Benjamin EJ, Levy D. Prevalence, clinical features and prognosis of diastolic heart failure: an epidemiologic perspective. J Am Coll Cardiol 1995; 26:1565.

Hình 1: Buồng tim và các van tim

Kết quả hình ảnh cho giải phẫu tim người

Tim giống như một máy bơm gồm bốn buồng: tâm nhĩ phải, tâm thất phải, tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Máu từ tĩnh mạch chủ vào tâm nhĩ phải rồi xuống tâm thất phải. Từ tâm thất phải máu được bơm vào phổi để nhận oxy, sau đó theo tĩnh mạch phổi trở về tim thông qua tâm nhĩ trái. Máu trong tâm nhĩ trái chảy vào tâm thất trái, bơm máu ra động mạch chủ để đưa oxy đến não, cơ bắp và các cơ quan và mô khác.

TAGS: hdcare, SUY TIM

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE