SỎI MẬT CÓ THẢI RA NGOÀI THEO PHÂN ĐƯỢC KHÔNG?

SỎI MẬT CÓ THẢI RA NGOÀI THEO PHÂN ĐƯỢC KHÔNG?

07/03/2019

-

Trúc Đào

-

0 Bình luận

SỎI MẬT CÓ THẢI RA NGOÀI THEO PHÂN ĐƯỢC KHÔNG?

Sỏi mật là những tinh thể cứng hình thành trong túi mật. Chúng làm tổn thương nhiều cho người bệnh và thi thoảng gây ra các vấn đề rất nghiêm trọng như nhiễm trùng túi mật chẳng hạn. Cách điều trị thông thường là phẫu thuật cắt túi mật.

Túi mật là gì? Sỏi mật là gì?

Túi mật là một bao nhỏ nằm ngay dưới gan của bạn. Nó chứa dịch tiêu hóa thức ăn được gan tổng hợp ra gọi là dịch mật. Mật sẽ giúp cắt nhỏ và hấp thu thức ăn khi chúng di chuyển tới ruột. Gan liên tục tạo ra dịch mật, tuy nhiên mật chỉ được tiết vào ruột mỗi khi bạn ăn hoặc uống mà thôi. Phần lớn thời gian còn lại (khi bạn không ăn uống) mật sẽ được chứa trong túi mật.

Khi dịch mật trở nên quá đậm đặc, sỏi sẽ hình thành trong túi mật. Kích thước một viên sỏi mật có thể nhỏ bằng hạt cát hoặc to bằng quả bóng gôn. Bạn có thể có một hoặc thậm chí cả trăm viên sỏi trong túi mật..

Nhiều người có sỏi trong túi mật mà không biết bởi vì ở hầu hết chúng ta sỏi mật không gây bất kì triệu chứng nào cả. Nhưng khi sỏi từ túi mật chui vào và làm tắc đường ống dẫn dịch mật ra ruột sẽ gây ra một cơn đau bụng dữ dội.

Khi càng lớn tuổi bạn càng dễ bị bệnh sỏi mật. Phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật là:

  • Thừa cân/Béo phì

  • Mang thai

  • Giảm cân quá nhanh (ví dụ sau phẫu thuật giảm cân)

  • Có người thân từng mắc bệnh sỏi mật

Các triệu chứng là gì?

Hầu hết mọi người bị sỏi mật không biểu hiện bất kì triệu chứng nào cả, họ chỉ vô tình phát hiện ra sỏi hiện diện ở túi mật sau khi làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cho một bệnh lí nào đó.

Tuy nhiên nếu sỏi trong túi mật chui vào và làm tắc đường ống dẫn mật sẽ gây ra một cơn đau quặn, liên tục, dữ dội. Vùng đau thường ở phía trên bên phải bụng, bác sĩ goi đó là cơn đau đường mật.

Nếu đây là lần đầu tiên bạn bị đau do sỏi mật thì có thể bạn sẽ nhớ nó mãi vì các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol/ibuprofen đều không có tác dụng. Đi lại xung quanh hay đánh hơi (rắm) cũng không làm giảm được cơn đau. Bạn sẽ cảm thấy bị ốm và có thể nôn ói.

Cơn đau có thể xuât hiện vào buổi tối/đêm. Điển hình đau thường xảy ra khi đói, đôi khi là sau bữa ăn. Đau luôn luôn kéo dài vài tiếng đồng hồ. Sau đó, sỏi mật có thể chui vào ruột và được thải ra ngoài theo phân.

Nếu bạn có cơn đau điển hình của sỏi mật, bác sĩ sẽ cho bạn làm một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để biết chính xác cơn đau có phải do sỏi mật gây ra hay không. Xét nghiệm phổ biến nhất là siêu âm. Bạn cũng có thể được chỉ định làm xét nghiệm máu để xem coi có bị nhiễm trùng hoặc các tình trạng bệnh khác gây ra triệu chứng tương tự hay không.

 

Điều trị sỏi mật như thế nào?

Cắt bỏ túi mật là điều trị chính cho bệnh sỏi mật có kèm cơn đau đường mật. Trong trường hợp bạn không muốn/không thể phẫu thuật thì bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các hình thức điều trị khác.

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật

Đây là phương pháp điều trị tốt nhất được khuyến nghị áp dụng cho người bệnh sỏi mật có kèm cơn đau đường mật.

Có 2 cách để cắt bỏ túi mật. Cách thứ nhất là mổ nội soi, bác sĩ sẽ cắt nhỏ túi mật và đưa ra ngoài qua những lỗ cắt nhỏ trên bụng bạn nhờ sự hướng dẫn của một camera rất nhỏ.

Hoặc cũng có thể bạn sẽ phải mổ hở, bác sĩ sẽ tạo một vết rạch dài trên bụng để quan sát trực tiếp các tạng trong bụng bạn. Cũng có trường hợp, bác sĩ cần phải chuyển qua mổ hở mặc dù trước đó có chỉ định mổ nội soi.

Hầu hết người bệnh được lợi hơn khi mổ nội soi. Bạn sẽ cảm thấy hồi phục nhanh hơn. Bạn có thể về nhà ngay trong ngày hôm sau sau khi mổ nội soi. Ngược lại, nếu mổ hở, bạn sẽ cần phải ở lại bệnh viện nhiều ngày để theo dõi.

Nếu như sỏi chui vào và nằm yên trong đường ống đẫn dịch mật từ túi mật ra ruột thì bạn sẽ cần phải dùng thêm những cách điều trị khác để loại bỏ sỏi.

Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ gọi là máy nội soi, thông qua miệng đi vào đường ruột và đến vị trí của viên sỏi mật. Sau khi gắp sỏi ra khỏi ống mật thì túi mật cũng luôn được cắt bỏ theo.

Nhiều người bệnh đã được phẫu thuật cắt bỏ túi mật với tỉ lệ thành công cao.

Tuy nhiên cuộc phẫu thuật nào cũng có những nguy cơ của nó. Bạn có thể bị dị ứng với thuốc gây mê hoặc bị nhiễm trùng vết mổ. Một số người bệnh bị chảy máu vết mổ trong/ sau phẫu thuật. Hiếm có trường hợp tử vong trong khi mổ.

Bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh mà không cần có túi mật. Sau khi túi mật bị cắt bỏ, dịch tiêu hóa do gan tạo ra sẽ được bào tiết thẳng vào ruột mà không cần dự trữ trong túi mật.

Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng tiêu hóa thức ăn của bạn, tuy nhiên không có vấn đề gì quá nghiêm trọng xảy ra cả. Một số người sau phẫu thuật sẽ có cảm giác muốn đi cầu thường xuyên hơn, một số khác có thể phải dùng tới thuốc để cầm tiêu chảy.

Các điều trị khác

Điều trị tốt nhất cho bệnh sỏi mật kèm cơn đau đường mật là phẫu thuật, tuy nhiên một số người bệnh không thể phẫu thuật vì có bệnh tim hoặc đơn giản là họ không muốn phẫu thuật.

Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống giúp làm tan sỏi mật. Nhưng không phải ai cũng có thể dùng được phương pháp này. Có thể có tác dụng phụ của thuốc và sỏi mới sẽ hình thành sau khi ngưng dùng thuốc.

 

Điều gì sẽ xảy ra với tôi khi bị bệnh sỏi mật?

Nếu bạn bị sỏi mật và kèm theo cơn đau đường mật, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Việc này giúp cho bạn không phải chịu lại cơn đau đó nữa và ngăn ngừa các biến chứng xấu có thể xảy ra như nhiễm trùng túi mật hoặc thủng túi mật.

Mặc dù các vấn đề nghiêm trọng không hay xảy ra thì việc bạn quyết định phương thức điều trị cũng rất quan trọng. Bác sĩ sẽ là người hỗ trợ bạn ra quyết định.

 

Sỏi mật: các câu hỏi cần hỏi bác sĩ

Nếu như bạn bị sỏi mật và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật thì những câu hỏi sau có lẽ hữu ích giúp bạn thắc mắc với bác sĩ.

  • Bác sĩ có chắc chắn các triệu chứng tôi có là do sỏi mật gây ra?

  • Các triệu chứng của tôi có thể cải thiện mà không cần điều trị chứ?

  • Sỏi mật của tôi có gây bít tắc đường mật không?

  • Tôi có thể làm gì để ngưng cơn đau bụng do sỏi?

  • Tôi có thể làm gì để cơn đau bụng không trở lại nữa?

  • Làm sao tôi biết là mình đang có những triệu chứng của bệnh sỏi mật?

  • Tôi nên làm gì nếu như các triệu chứng ấy xuất hiện?

 

Các câu hỏi về cuộc phẫu thuật

  • Việc cắt bỏ túi mật sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng chứ?

  • Ngoài cắt bỏ túi mật thì còn các cách điều trị nào khác?

  • Tôi sẽ phải mổ nội soi hay mổ hở?

  • Tôi cần phải làm phẫu thuật ở đâu?

  • Chi phí phẫu thuật tôi sắp làm có mắc không? Bác sĩ phẫu thuật cho tôi là ai?

  • Khả năng tôi sẽ bị các biến chứng trong khi phẫu thuật không?

  • Tôi phải đợi bao lâu nữa tới khi cuộc phẫu thuật bắt đầu?

  • Sau phẫu thuật tôi phải ở lại viện bao lâu?

  • Thời gian tôi phải nghỉ dưỡng ở nhà sau mổ là bao lâu?

  • Trong khi đợi chuẩn bị mổ, tôi có cần có chế độ ăn đặc biệt nào không?

  • Tôi còn phải chuẩn bị những gì trước khi làm phẫu thuật không?

  • Có bất kì biến chứng nào sau khi phẫu thuật hay không?

 

HD CARE ky vọng những thông tin trên có thể giúp trả lời phần nào thắc mắc của bệnh nhân hay những người quan tâm về sỏi mật. Nếu bạn còn thắc mắc điều gì về sỏi mật nữa, hãy bình luận bên dưới, để chúng tôi có thể có những bài viết hữu ích hơn nữa nhé.

Thông tin cho người bệnh từ BMJ Best Practice sẽ được trích ra tờ bướm cho người bệnh và được cập nhật thường xuyên. Bản cập nhật nhất có thể lấy từ website bestpractice.bmj.com. Thông tin này dành cho nhân viên y tế và không thể thay thế các khuyến cáo y khoa. Chúng tôi khuyến cáo bạn kiểm chứng mọi thông tin một cách độc lập và nếu bạn có vấn đề về sức khỏe, hãy tìm tới bác sĩ ngay. Đọc tất cả điều khoản sử dụng tại bmj.com/company/legal-information. BMJ không đưa ra bất kỳ tuyên bố, điều kiện hay đảm bảo nào, mặc dù là nói rõ ràng hay ngụ ý rằng tài liệu này chính xác, đầy đủ, cập nhật hoặc phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE