TỔNG QUAN VỀ ERCP
Nội soi là phương pháp kiểm tra bên trong một bộ phận cơ thể bằng một dụng cụ gọi là ống nội soi. Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic retrograde cholangiopancreatography - ERCP) là một thủ thuật sử dụng tia X để quan sát ống mật và ống tụy của bệnh nhân (hình 1).
Các chức năng của ống mật chủ và ống tụy là dẫn lưu túi mật, gan và tụy; hai ống chính dẫn mật và dịch tụy qua nhú tá (hình 1) vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) (hình 1). Lý do phổ biến nhất khiến một người cần ERCP là do tắc nghẽn một trong những ống dẫn này (thường là do sỏi mật). Nói chung, trước khi làm ERCP, cần thực hiện các xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Bác sĩ nội soi (một bác sĩ được đào tạo đặc biệt về sử dụng máy nội soi) sẽ kiểm tra ống mật và / hoặc ống tụy, tìm kiếm các bất thường như tắc nghẽn, bất thường trong mô, các vấn đề về dòng chảy của dịch mật hoặc tụy, sỏi, hoặc khối u. Nếu một vấn đề được tìm thấy, bác sĩ nội soi có thể thực hiện một quy trình để sửa chữa hoặc cải thiện tình trạng này; vì vậy, ERCP đã thay thế phẫu thuật ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh ở ống mật chủ và bệnh ở tụy.
Nhiều bệnh nhân cần làm ERCP phải nhập viện, nhưng ERCP cũng có thể được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và mức độ phức tạp của thủ thuật cần thiết.
CHUẨN BỊ CHO ERCP
Bạn sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong sáu đến tám giờ trước khi làm thủ thuật. Điều quan trọng là dạ dày phải trống để cho phép bác sĩ nội soi quan sát toàn bộ khu vực cần nội soi, và giảm nguy cơ nôn mửa trong suốt quá trình.
Bạn có thể được hướng dẫn điều chỉnh liều thuốc hoặc ngừng dùng một số loại thuốc cụ thể trước khi làm ERCP. Hầu hết các loại thuốc có thể được tiếp tục dùng như bình thường, nhưng một số loại thuốc cần phải ngừng sử dụng trong vài ngày. Tất cả các loại thuốc và thực phẩm bổ sung nên được thảo luận với bác sĩ, vì một số loại thuốc cần được chú ý đặc biệt; ví dụ: nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, bác sĩ sẽ xác định cách thức và thời điểm bạn nên ngừng dùng thuốc này trước khi làm ERCP. Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc buổi sáng (thuốc viên hoặc insulin) vì bạn không thể ăn bất cứ thứ gì trước ERCP.
Nếu bạn đang mang thai, ERCP nên được hoãn lại cho đến sau khi sinh con nếu có thể, nhưng nếu đang có tình trạng khẩn cấp, thủ thuật này có thể được thực hiện một cách an toàn khi mang thai.
Bạn sẽ cần một người bạn hoặc thành viên gia đình hộ tống bạn về nhà sau khi làm ERCP. Nguyên do là các loại thuốc dùng để an thần có thể làm giảm phản xạ, khả năng phán đoán và khả năng lái xe của bạn (tương tự như tác dụng của rượu).
BẠN SẼ ĐƯỢC CHUẨN BỊ NỘI SOI NHƯ THẾ NÀO
Trước khi nội soi, bạn sẽ được hỏi một số câu hỏi về tiền sử y tế của bạn và các loại thuốc bạn đang dùng, và bạn sẽ được làm xét nghiệm máu; ERCP cũng sẽ được giải thích chi tiết và bác sĩ sẽ cần bạn kí vào đơn đồng thuận.
Thuốc an thần - Y tá sẽ bắt đầu đặt đường truyền tĩnh mạch (bằng cách chèn kim vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay) để đưa thuốc vào cơ thể. Hầu hết các đơn vị nội soi sử dụng kết hợp thuốc an thần để gây thư giãn, và thuốc để ngăn chặn cảm giác khó chịu. Đây được gọi là "an thần có ý thức" bởi vì bạn đang tỉnh táo, nhưng cơ thể được thư giãn không cảm thấy đau đớn. Trong một số trường hợp phức tạp hơn, bạn có thể được an thần nhiều hơn hoặc được gây mê (đưa vào giấc ngủ) để làm ERCP.
Vì lý do an toàn, bạn sẽ được yêu cầu tháo kính mắt hoặc kính áp tròng và răng giả. Trước khi thủ thuật bắt đầu, bạn có thể được gây tê cục bộ (xịt thuốc gây tê lên cổ họng hoặc súc miệng).
THỦ THUẬT ERCP
ERCP được thực hiện trong phòng có chứa máy X-quang. Bạn sẽ nằm trên một bàn đặc biệt trong khi làm thủ thuạt, thường là nằm nghiêng trái hoặc nằm sấp.
Mặc dù nhiều người lo lắng về sự khó chịu khi làm nội soi, hầu hết mọi người đều chịu đựng tốt và cảm thấy ổn sau đó. Thuốc sẽ được đưa qua đường tĩnh mạch trong suốt quá trình. Một miếng bảo vệ miệng bằng nhựa được đặt giữa răng để tránh làm hỏng răng và ống nội soi. Nhiều bệnh nhân ngủ trong khi thử nghiệm; số khác cảm thấy rất thoải mái và không nhận thức được việc nội soi.
Ống nội soi ERCP là một ống mềm đặc biệt, có kích thước gần bằng ngón tay. Nó chứa một thấu kính và nguồn sáng cho phép bác sĩ nội soi quan sát bên trong cơ thể bệnh nhân; hình ảnh được phóng to trên màn hình để có thể nhìn thấy những chi tiết và thay đổi rất nhỏ. Ống nội soi cũng chứa các khe nhỏ cho phép bác sĩ nội soi lấy sinh thiết (lấy mẫu mô không đau) và bơm vào hoặc rút ra chất lỏng, hơi hoặc các dụng cụ khác.
Bạn sẽ được yêu cầu nuốt ống nội soi; hầu hết mọi người không gặp khó khăn với bước này, do tác dụng của các loại thuốc an thần. Khi ống nội soi đưa vào miệng, không khí được bơm vào một cách nhẹ nhàng để mở thực quản, dạ dày và ruột để ống nội soi có thể được đưa qua các cấu trúc đó và cho phép bác sĩ nội soi quan sát (hình 1 và hình 2). Một ống nhựa nhỏ (ống thông) được đưa qua ống nội soi vào lỗ mở của ống mật thông qua cấu trúc gọi là nhú tá (hình 2), thuốc cản quang được tiêm vào và hình ảnh X quang được chụp sau khi tiêm và được hiển thị trên màn hình TV để bác sĩ nội soi có thể kiểm tra ống mật và ống tụy.
Tùy thuộc vào những gì bác sĩ nội soi nhìn thấy trong ERCP, họ có thể thực hiện một loạt các thủ thuật hoặc phương pháp điều trị. Nếu sỏi mật có trong ống mật chủ, lỗ mở của nhú có thể được mở rộng bằng cách đốt điện (hình 3), và sỏi được lấy ra bằng rọ (hình 4). Nếu hình ảnh X quang cho thấy hẹp ống mật chủ, có thể đặt stent (một ống nhựa nhỏ) để cho mật qua được chỗ tắc nghẽn và đi vào tá tràng.
Bạn có thể cảm thấy khó chịu nhẹ vì không khí được bơm vào qua ống nội soi. Nó không có hại và ợ hơi có thể làm giảm cảm giác khó chịu này. Nội soi không liên quan tới nhịp thở. Hít thở chậm và sâu trong suốt quá trình có thể giúp bạn thư giãn.
Thời gian làm ERCP thay đổi trong khoảng từ 30 đến 90 phút (thường là khoảng một giờ).
HỒI PHỤC SAU ERCP
Sau khi làm ERCP, bạn sẽ được theo dõi trong thời gian thuốc an thần hết tác dụng. Các loại thuốc làm cho hầu hết mọi người tạm thời cảm thấy mệt mỏi hoặc khó tập trung, vì vậy họ thường không nên quay lại làm việc hoặc lái xe vào ngày hôm đó.
Khó chịu phổ biến nhất sau khi làm ERCP là cảm giác đầy hơi do không khí được bơm vào trong quá trình nội soi. Vấn đề này thường tự biến mất nhanh chóng. Một số người cũng bị đau họng nhẹ. Hầu hết mọi người có thể được uống chất lỏng không màu sau khi kiểm tra. Trong một số trường hợp, xét nghiệm máu có thể được thực hiện cùng ngày sau khi làm ERCP.
Bác sĩ nội soi thường cho bệnh nhân biết kết quả nội soi ngay lập tức. Nếu đã được làm sinh thiết, mô cần được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích
BIẾN CHỨNG CỦA ERCP
ERCP là một thủ thuật an toàn và các biến chứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra. Nếu các biến chứng xảy ra, chúng thường nhẹ và có thể bao gồm những vấn đề sau đây:
● Viêm tụy là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra ở khoảng 3 đến 5 phần trăm những người được làm ERCP. Khi viêm tụy xảy ra, nó thường nhẹ, gây đau bụng và buồn nôn, và sẽ hết sau vài ngày nằm viện. Hiếm khi viêm tụy tiến triển nặng hơn.
● Đôi khi bác sĩ nội soi cần phải cắt vào nhú tá (nơi ống mật chủ và ống tụy nối với ruột non) (hình 1). Chảy máu có thể xảy ra do vết cắt vào nhú tá, nhưng nó thường rất nhỏ và tự cầm nhanh chóng hoặc có thể được kiểm soát trong khi làm ERCP. Đối với bệnh nhân dùng warfarin hoặc thuốc làm loãng máu khác, nguy cơ chảy máu sau thủ thuật tăng lên so với bệnh nhân không dùng các thuốc này.
● Ống nội soi hoặc các dụng cụ khác có thể gây rách hoặc thủng ruột. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, thường phải can thiệp phẫu thuật, mặc dù hiếm khi xảy ra.
● Nhiễm trùng các ống mật (viêm đường mật) là một biến chứng hiếm gặp, nhưng nó có thể xảy ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có một số vấn đề trước đó. Điều trị nhiễm trùng cần kháng sinh và dẫn lưu.
● Hít thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi. Nguy cơ xảy ra biến chứng này ở mức tối thiểu ở những người không ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi làm thủ thuật.
Các triệu chứng sau đây cần được báo cho bác sĩ ngay lập tức:
● Đau bụng dữ dội
● Bụng gồng cứng, chướng
● Nôn
● Sốt hoặc ớn lạnh
● Khó nuốt hoặc đau họng nghiêm trọng
● Cảm giác lép bép dưới da
REFERENCES
Giải phẫu tụy
Tuyến tụy là một cơ quan kết hợp ngoại tiết và nội tiết. Các tuyến ngoại tiết chịu trách nhiệm tiết dịch tiêu hóa vào các ống tụy và sau đó vào đường tiêu hóa. Khoảng 1 triệu tiểu đảo Langerhans chịu trách nhiệm về chức năng nội tiết của tuyến tụy, được phân phối khắp tuyến tụy ngoại tiết. Các tế bào beta và alpha của các tiểu đảo nội tiết tương ứng chịu trách nhiệm tiết insulin và glucagon, trong khi các tế bào delta tiết ra somatostatin và tế bào PP tiết ra polypeptide tụy.
Hỉnh ảnh nội soi bóng Vater
Bóng Vater, còn được gọi là nhú tá, là một cấu trúc nhỏ giống như núm vú nằm ở tá tràng (phần đầu tiên của ruột). Mật được tiết ra qua lỗ đổ bóng Vater.
Giải phẫu dạ dàyCác vùng của dạ dày bao gồm tâm vị, đáy vị, thận vị, hang vị và môn vị. Khi nội soi, ống nội soi thường đi dọc theo bờ cong lớn của dạ dày về phía môn vị.
Đặt ống ở bóng Vater
Một ống nhựa mỏng (ống thông) được đưa qua ống nội soi vào lỗ của nhú tá.
Cắt cơ vòng: mở rộng nhú tá bằng cách đốt điện
Một vết cắt ở nhú tá được thực hiện bằng cách đốt điện. Đốt điện được thực hiện bằng cách sử dụng một ống thông đặc biệt có chứa một dây dẫn có chức năng đốt điện.
Lấy sỏi từ ống mật chủ
Sau khi cắt mở rộng nhú tá, sỏi mật được lấy ra khỏi ống mật chủ bằng cách sử dụng một rọ bằng kim loại.