NỘI SOI BẠN CÓ CẦN DÙNG THUỐC AN THẦN KHÔNG?

NỘI SOI BẠN CÓ CẦN DÙNG THUỐC AN THẦN KHÔNG?

17/02/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

NỘI SOI BẠN CÓ CẦN DÙNG THUỐC AN THẦN KHÔNG?

TỔNG QUAN VỀ NỘI SOI

Nội soi tiêu hóa trên, thường được gọi là nội soi, hoặc nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, là một thủ thuật cho phép bác sĩ kiểm tra trực tiếp phần trên của đường tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) (hình 1).

Bác sĩ thực hiện thủ thuật, được gọi là bác sĩ nội soi, được đào tạo đặc biệt trong việc sử dụng máy nội soi để kiểm tra đường tiêu hóa trên, tìm kiếm tình trạng viêm (đỏ, kích thích), chảy máu, loét hoặc khối u.

CÁC LÝ DO ĐỂ NỘI SOI TIÊU HÓA TRÊN

Những lý do phổ biến nhất cho nội soi tiêu hóa trên bao gồm:

● Khó chịu hoặc đau không rõ nguyên nhân ở vùng bụng trên.

● Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (thường được gọi là ợ nóng). (Xem "Giáo dục bệnh nhân:Trào ngược axit (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) ở người lớn".)

● Buồn nôn và nôn kéo dài.

● Chảy máu đường tiêu hóa trên (nôn ra máu hoặc máu trong phân có nguồn gốc từ phần trên của ống tiêu hóa). Chảy máu có thể được cầm trong quá trình nội soi.

● Thiếu máu thiếu sắt (thiếu máu liên quan đến nồng độ sắt thấp trong máu) ở người không có chảy máu rõ ràng.

● Khó nuốt; thức ăn / chất lỏng bị kẹt trong thực quản trong khi nuốt. Nguyên nhân có thể do hẹp hoặc khối u hoặc thực quản không vận động nhịp nhàng. Nếu có hẹp thực quản, chỗ hẹp thường có thể được làm nong bằng bóng hoặc ống giãn trong quá trình nội soi.

● Dấu hiệu bất thường hoặc không rõ ràng trên X-quang, CT hoặc MRI đường tiêu hóa trên.

● Loại bỏ dị vật (vật nuốt).

● Để kiểm tra sự chữa lành hoặc tiến triển trên các polyp (tăng trưởng), khối u hoặc vết loét được tìm thấy trước đó.

CHUẨN BỊ CHO NỘI SOI

Bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị trước khi làm thủ thuật. Các hướng dẫn này được thiết kế để đảm bảo an toàn trong và sau khi làm thủ thuật và giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra. Điều quan trọng là đọc các hướng dẫn trước khi được làm thủ thuật và làm theo chúng một cách cẩn thận. Đừng ngần ngại gọi cho phòng khám bác sĩ hoặc cơ sở nội soi nếu có câu hỏi.

Bạn có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng tám giờ trước khi nội soi. Điều quan trọng là dạ dày của bạn phải trống để bác sĩ nội soi quan sát rõ và giảm khả năng thức ăn hoặc chất lỏng bị nôn vào phổi trong khi đang dùng thuốc an thần (gọi là bệnh phổi hít).

Bạn có thể được yêu cầu điều chỉnh liều thuốc (như insulin) hoặc ngừng một số thuốc cụ thể (như thuốc làm loãng máu) tạm thời trước khi kiểm tra. Bạn nên thảo luận về các loại thuốc của bạn với bác sĩ trước buổi nội soi.

Bạn nên sắp xếp cho một người bạn hoặc thành viên gia đình đưa bạn về nhà sau khi được nội soi. Mặc dù bạn sẽ tỉnh táo sau khi xuất viện, nhưng các loại thuốc an thần có thể gây ra những thay đổi tạm thời về phản xạ và phán đoán và cản trở khả năng lái xe hoặc đưa ra quyết định của bạn (tương tự như tác dụng của rượu). Bệnh nhân được dùng thuốc an thần thường được yêu cầu phải được đưa về nhà sau khi làm thủ thuật.

QUÁ TRÌNH NỘI SOI SẼ NHƯ THẾ NÀO? 

 

Trước khi nội soi, nhân viên sẽ xem xét tiền sử nội và ngoại khoa của bạn, bao gồm cả các loại thuốc đang sử dụng hiện tại. Bác sĩ sẽ giải thích về thủ thuật và yêu cầu bạn ký đồng thuận. Trước khi ký đồng thuận, bạn nên hiểu về lợi ích và rủi ro của thủ thuật này, các lựa chọn thay thế cho thủ thuật và bạn nên được giải đáp tất cả các thắc mắc.

Bạn sẽ được cho thuốc an thần đường tĩnh mạch (kim luồn vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cẳng tay của bạn), hoặc kết hợp thuốc an thần (để giúp bạn thư giãn) và thuốc ngủ (để ngăn ngừa cảm giác khó chịu) hoặc các loại thuốc khác thường được sử dụng nhằm mục đích an thần.

Các dấu hiệu sinh tồn của bạn (huyết áp, nhịp tim và nồng độ oxy trong máu) sẽ được theo dõi trước, trong và sau khi kiểm tra. Việc theo dõi này không gây đau đớn cho bạn. Bạn sẽ được cho oxy trong suốt quá trình thông qua một ống nhỏ đưa vào mũi và được gắn quanh tai. Vì lý do an toàn, nên tháo răng giả trước khi làm thủ thuật.

Mặc dù hầu hết bệnh nhân được an thần trong quá trình làm thủ thuật, nhưng nhiều người chịu đựng thủ thuật tốt mà không cần dùng thuốc. Thông thường, những bệnh nhân này được làm tê thành sau họng  (có thể súc miệng hoặc xịt thuốc) ngay trước khi nội soi để giảm cảm giác đau trong quá trình luồn dụng cụ qua họng. Cách này có thể được dùng cho bệnh nhân có nguy cơ cao với thuốc an thần. Mặt khác, nếu bạn quan tâm đến việc nội soi không dùng thuốc an thần này, bạn nên thảo luận trước với bác sĩ để xem lựa chọn này có khả thi cho bạn không.

THỦ THUẬT NỘI SOI

Thủ thuật thường kéo dài từ ​​10 đến 20 phút để hoàn thành. Nội soi được thực hiện khi bạn nằm nghiêng trái. Một miếng bảo vệ miệng bằng nhựa được đặt giữa răng để tránh làm hỏng răng và ống nội soi.

Ống nội soi (còn gọi là ống nội soi dạ dày) là một ống mềm có kích thước bằng ngón tay. Ống nội soi có một thấu kính và nguồn sáng cho phép bác sĩ nội soi nhìn thấy lớp lót bên trong của đường tiêu hóa trên, thường là bằng màn hình TV. Hầu hết mọi người không gặp khó khăn khi nuốt ống nội soi dạ dày mềm nhờ tác dụng của thuốc an thần. Nhiều người ngủ trong khi được làm thủ thuật; những người khác cảm thấy thoải mái và thường không nhận thức được việc mình đang được làm thủ thuật.

Một thủ thuật thay thế được gọi là nội soi qua mũi có thể có sẵn ở một số cơ sở. Ống nội soi rất nhỏ (bằng khoảng kích thước của ống hút) được đưa qua mũi. Bạn không được cho an thần nhưng được xịt một loại thuốc lên mũi để ngăn chặn cảm giác khó chịu. Dụng cụ này có thể thực hiện kiểm tra đầy đủ như ống nội soi thường.

Bác sĩ nội soi có thể lấy mẫu mô, gọi là sinh thiết. Sinh thiết không đau. Bác sĩ nội soi cũng có thể thực hiện các phương pháp điều trị cụ thể (như cắt bỏ polyp, điều trị chảy máu), tùy thuộc vào những gì được nhìn thấy trong quá trình kiểm tra. Không khí hoặc khí carbon dioxide được bơm vào nhẹ nhàng qua ống nội soi để làm rộng thực quản, dạ dày và ruột, cho phép ống nội soi đi qua các khu vực này và cải thiện khả năng quan sát của bác sĩ nội soi. Bạn có thể cảm thấy khó chịu nhẹ khi không khí bị đẩy vào dạ dày và đường ruột. Điều này không có hại; ợ hơi có thể làm giảm cảm giác khó chịu này. Nội soi không can thiệp vào quá trình hô hấp. Hít thở chậm, sâu ngay trước và trong khi làm thủ thuật có thể giúp bạn thư giãn.

HỒI PHỤC SAU KHI ĐƯỢC NỘI SOI

Sau khi nội soi, bạn sẽ được theo dõi trong một khoảng thời gian, thường là dưới một giờ, trong khi thuốc an thần hết tác dụng. Một số loại thuốc thường được sử dụng khiến một số người tạm thời cảm thấy mệt mỏi hoặc khó tập trung. Thông thường bạn sẽ được hướng dẫn không lái xe và không quay trở lại làm việc trong ngày làm thủ thuật.

Khó chịu phổ biến nhất sau khi làm thủ thuật là cảm giác đầy hơi do không khí được bơm vào trong quá trình kiểm tra. Cảm giác này thường hết nhanh chóng. Một số bệnh nhân cũng bị đau họng nhẹ. Hầu hết bệnh nhân có thể ăn ngay sau khi khám.

BIẾN CHỨNG NỘI SOI

Nội soi tiêu hóa trên là một thủ thuật an toàn và các biến chứng rất hiếm xảy ra [1]. Sau đây là danh sách một số biến chứng có thể xảy ra:

● Hít thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi, nguy cơ có thể giảm thiểu bằng cách không ăn hoặc uống trong khoảng thời gian được đề nghị trước khi làm thủ thuật.

● Có thể có phản ứng với thuốc an thần; nhóm nội soi (bác sĩ và y tá) sẽ hỏi về dị ứng hoặc phản ứng thuốc trước đó và về các vấn đề sức khỏe như tim, phổi, thận hoặc bệnh gan. Cung cấp thông tin này cho nhóm nội soi giúp đảm bảo quá trình nội soi an toàn hơn.

● Các loại thuốc có thể gây kích thích tĩnh mạch tại vị trí đường truyền tĩnh mạch. Nếu có dấu hiệu đỏ, sưng hoặc khó chịu xảy ra, bạn nên gọi cho bác sĩ nội soi, hoặc số điện thoại được cung cấp cho bạn khi xuất viện.

● Chảy máu có thể xảy ra do sinh thiết hoặc cắt polyp, mặc dù nếu xảy ra thì thường rất nhỏ và tự cầm máu nhanh chóng hoặc có thể dễ dàng kiểm soát.

● Nội soi có thể gây rách hoặc làm thủng ở vùng được kiểm tra. Đây là một biến chứng nghiêm trọng nhưng may mắn là rất hiếm khi xảy ra.

Các dấu hiệu và triệu chứng sau đây cần được báo lại ngay lập tức:

● Đau bụng dữ dội 

● Bụng cứng, chướng  

● Nôn

● Sốt

● Khó nuốt hoặc đau họng dữ dội

● Cảm giác lạo xạo dưới da cổ

SAU KHI ĐƯỢC NỘI SOI 

Hầu hết bệnh nhân chịu đựng cuộc nội soi rất tốt và cảm thấy ổn sau đó. Một số có cảm giác mệt mỏi sau khi được nội soi, và bạn nên có kế hoạch nghỉ ngơi thư giãn phần còn lại trong ngày.

Bác sĩ nội soi có thể mô tả kết quả nội soi trước khi bạn rời khỏi cơ sở nội soi. Nếu đã làm sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp, bạn nên gọi lấy kết quả tại một thời điểm được chỉ định bởi bác sĩ nội soi, thường trong vòng một tuần.

REFERENCES

  1.  ASGE Standards of Practice Committee, Ben-Menachem T, Decker GA, et al. Adverse  events of upper GI endoscopy. Gastrointest Endosc 2012; 76:707. 

  2. Carpenter-Aquino A. SGNA Gastroenterology Nursing, A Core Curriculum, 4th ed, 2008.

  3.  Kielty LA.  An investigation  into the information received  by patients undergoing a  gastroscopy in  a large teaching  hospital in Ireland.  Gastroenterol Nurs 2008;  31:212. 

  4.  Ford AC, Moayyedi  P. Current guidelines for dyspepsia management. Dig Dis 2008;  26:225. 

  5.  Cho S, Arya N, Swan  K, et al. Unsedated transnasal endoscopy: a Canadian  experience in daily practice.  Can J Gastroenterol  2008; 22:243. 

  6.  Standards of Practice Committee, Zuckerman MJ, Shen B, et al. Informed consent for  GI  endoscopy. Gastrointest  Endosc 2007; 66:213. 

  7.  Lazzaroni M, Bianchi Porro G. Preparation,  premedication, and surveillance. Endoscopy 2005;  37:101. 

  8.  ASGE Standards of Practice Committee, Early DS, Ben-Menachem T, et al. Appropriate  use of GI endoscopy. Gastrointest Endosc 2012; 75:1127. 

  9.  ASGE Standards of Practice Committee, Chandrasekhara V, Early DS, et al.  Modifications in  endoscopic practice for  the elderly. Gastrointest  Endosc 2013; 78:1. 

Đường tiêu hóa trên
Đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản (dạng ống nối miệng với dạ dày), dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non).

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE