KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG Ở NGƯỜI LỚN: TRIỆU CHỨNG,NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ.

KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG Ở NGƯỜI LỚN: TRIỆU CHỨNG,NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ.

17/02/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG Ở NGƯỜI LỚN: TRIỆU CHỨNG,NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ.

TỔNG QUAN

Khó tiêu chức năng là một thuật ngữ y khoa mô tả tập hợp các triệu chứng đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên (thượng vị), gần vùng xương sườn. Các triệu chứng thường xuyên đến và đi, có lúc nhiều ngày liên tục hay thỉnh thỏang mới xảy ra một đợt. Khi bệnh nhân đến khám bác sĩ, hầu hết là không tìm thấy nguyên nhân thực thể.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh, xét nghiệm và cách điều trị chứng khó tiêu chức năng ở người lớn. Trường hợp đau bụng mạn ở trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được thảo luận ở các phần sau.

TRIỆU CHỨNG CỦA KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau dạ dày

  • Cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng bụng

  • Đầy hơi

  • Cảm giác no nhanh khi ăn

Một số triệu chứng khác cũng có thể gặp như: nôn, buồn nôn, chán ăn và sụt cân.

Khi nào thì bạn cần đến gặp bác sĩ? - Nếu có bất kì triệu chứng nào sau đây, hãy đến khám bác sĩ kịp thời:

  • Nôn ói nhiều lần, nôn ói dai dẳng không ngừng được

  • Nôn ra máu

  • Sụt cân hoặc cảm giác ăn không ngon miệng

  • Đi cầu ra máu hay phân màu sẫm

  • Cảm giác đau khi nuốt hay nuốt khó

NGUYÊN NHÂN CHỨNG KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

Nguyên nhân của chứng khó tiêu hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố sau đây được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến chứng bệnh này, bao gồm:

Các vấn đề liên qua cơ và thần kinh – Quá trình tiêu hóa thức ăn liên quan đến hoạt động của rất nhiều dây thần kinh và các loại cơ tại đường tiêu hóa.  Nếu một trong các thành phần này xảy ra vấn đề sẽ khiến quá trình làm trống dạ dày diễn ra chậm hơn bình thường, đồng thời gây các triệu chứng như nôn và buồn nôn, đầy bụng, đầy hơi và người bệnh cảm thấy no nhanh khi ăn. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị chậm làm trống dạ dày đều mắc chứng khó tiêu chức năng.

Nhạy cảm với việc đau – Khi chúng ta ăn, dạ dày thường căng dãn ra để chứa được nhiều thức ăn hơn. Tuy nhiên, sự căng dãn này lại khiến một số người cảm thấy đau, người ta gọi đó là hiện tượng nhạy cảm với việc đau. Đến bây giờ, người ta vẫn chưa lí giải được nguyên nhân của hiện tượng này. 

Nhiễm trùng - Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn có thể sinh sống trong dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hoặc loét Một số bằng chứng ủng hộ giả thiết H.pylori gây ra chứng khó tiêu chức năng. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị H. pylori đều mắc chứng bệnh này. 

Đôi khi bệnh khởi phát bởi một tình trạng viêm dạ dày ruột cấp tính, thường là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Nhưng các triệu chứng bệnh vẫn có thể tồn tại  rất lâu ngay cả khi tình trạng nhiễm trùng đã thuyên giảm. Người ta cho rằng có thể là do mất cân bằng của vi khuẩn thường trú trong đường tiêu hóa.

Yếu tố tâm lý và xã hội – Những người mắc chứng khó tiêu chức năng thường có vấn đề về tâm lý như lo lắng hoặc trầm cảm. Các triệu chứng như đau bụng có thể được cải thiện sau khi điều trị trầm cảm hay các rối loạn lo lắng

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN

Để xác định xem thực sự có phải là bạn có các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng hay không, bác sĩ hoặc y tá sẽ phải hỏi bạn một số câu hỏi và thực hiện một số bài kiểm tra y khoa. Ví dụ như là:

  • Cơn đau có tăng lên khi bạn đói hay không?

  • Bạn có thấy đau hơn khi di chuyển theo những tư thế nhất định hay ấn vào những vùng đặc biệt nào trên bụng hay không?

  • Bạn cũng bị ợ nóng không (cảm giác nóng rát tăng dần bên dưới xương ức) ?

  • Bạn có thấy đau dữ dội bên hố chậu phải hoặc vùng quanh rốn không? Cơn đau có lan ra sau lưng hay lan lên bả vai không?  Thường thì cơn đau xảy ra cùng lúc với các triệu chứng như nôn ói, vã mồ hôi, buồn nôn không?

  • Gần đây bạn có bị sụt cân, nôn ói dai dẳng hay cảm thấy khó nuốt không?

  • Trong nhà bạn có ai từng mắc ung thư dạ dày không?

Các xét nghiệm nên làm — Không có xét nghiệm chuyên biệt nào giúp chẩn đoán chính xác chứng khó tiêu chức năng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến nghị rằng:

  • Với các đối tượng trên 60 tuổi hoặc có các triệu chứng mang tính cảnh báo như nôn ói dai dẳng, sụt cân hay khí nuốt thì nên được nội soi tiêu hóa  trên. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát bên trong của ống tiêu hóa trên bao gồm: thực quản, dạ dày, ruột non góp phần chẩn đoán bệnh. 

  • Với các đối tượng dưới 60 tuổi hoặc không có triệu chứng như trên hay có tiền sử có người thân mắc bệnh ung thư dạ dày thì nên được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác, như: xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân tìm H.pylori.

Nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện  hoặc thậm chí là tệ hơn trong vòng bốn đến tám tuần kể từ khi thực hiện các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn, trong đó có nội soi đường tiêu hóa trên.

ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Phải hiểu rõ tình trạng bệnh — Một khi đã được chẩn đoán bệnh, một số bệnh nhân sẽ cảm thấy nhẹ nhõm nhưng một số thì không. Nhiều người trở nên lo lắng thái quá thậm chí là trầm cảm. Điều quan trọng nhất là phải hiểu được tình trạng bệnh của bản thân hiện tại. Do vậy, nếu bạn có bất cứ thắc mắc hay lo lắng gì, bao gồm cả về phương pháp, kết quả hay quy trình điều trị, nên thẳng thắn trực tiếp trao đổi với bác sĩ điều trị của mình.

Nếu cảm thấy bạn cần hỗ trợ thêm các biện pháp hỗ trợ tâm lí, bác sĩ sẽ đề nghị bạn gặp thêm một người có chuyên môn về lĩnh vực tâm lí để giải quyết tình trạng này.(đó có thể là bác sĩ tâm lí, chuyên gia tâm lí học hay các nhân viên xã hội). Điều này có ý nghĩa cực kì quan trọng trong việc hồi phục cả về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người bệnh.  

Chế độ ăn  — Thay đổi thói quen ăn uống có thể giúp giảm bớt các cơn đau. Bao gồm: 

  • Tránh các thực phẩm chứa chất béo vì chúng làm chậm quá trình làm trống của dạ dày

  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Thay vì ăn ba bữa chính như bình thường, bạn có thể chia nhỏ chúng ra thành 5-6 bữa

  • Tránh ăn các loại thực phẩm khiến bạn cảm thấy đau hơn khi ăn vào. Tuy nhiên, không nên loại bỏ hoàn toàn một nhóm thức ăn nào ra khỏi bữa ăn trừ khi có khuyến cáo từ bác sĩ  

  • Không uống rượu

Nếu có bất cứ câu hỏi nào về chế độ ăn uống, bạn nên  tham khảo ý kiến của bác sĩ, hay các chuyên gia về dinh dưỡng. 

Điều trị H.pylori — Nếu bạn được chẩn đoán loét dạ dày và nhiễm H.plylori ( kiểm tra H.pylori dương tính) thì việc điều trị H.pylori có thể giúp giảm các triệu chứng. Quyết định điều trị hay không cần phải được thảo luận kĩ càng cùng bác sĩ điều trị.

Thuốc giảm đau — Ngay cả khi bạn không bị trầm cảm thì việc sử dụng thuốc chống trầm cảm với liều thấp có thể giúp giảm các triệu chứng. Một trong những thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất là thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA). Người ta không hiểu rõ cơ chết tác động của TCAs nhưng dường như chúng giúp cải thiện cơn đau khi dùng ở liều thấp. Liều TCAs dùng để điều trị đau thường thấp hơn nhiều so với liều dùng để điều trị trầm cảm.

Các TCAs thường dùng gồm amitriptyline và desipramine. Ban đầu, có thể TCAs sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi; đó không hẳn là tác dụng phụ vì TCAs có thể giúp cải thiện giấc ngủ khi uống vào buổi tối. TCAs thường được bắt đầu với liều thấp và tăng dần. Sauk hi uống vài tuần thuốc mới có bắt đầu tác dụng. 

Các phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế — Một số phương pháp trị liệu và thay thế được quảng cáo có khả năng cải thiện chứng khó tiêu chức năng. Ví dụ bao gồm các phương pháp điều trị bao gồm bạc hà và hạt caraway (một loại thực vật họ Hoa tán có nguồn gốc từ Tây Á, châu Âu và Bắc Phi). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu y học nào chứng minh khả năng điều trị của các phương pháp này, vì vậy độ an toàn và đáng tin cậy của cách điều trị này vẫn là một dấu chấm hỏi. Để biết thông tin đáng tin cậy về các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế, hãy xem trang web của Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tack J, Talley NJ, Camilleri M, et al. Functional gastroduodenal disorders. Gastroenterology 2006; 130:1466.

  2. Longstreth GF. Functional dyspepsia--managing the conundrum. N Engl J Med 2006; 354:791.

  3. Soo S, Moayyedi P, Deeks J, et al. Pharmacological interventions for non-ulcer dyspepsia. Cochrane Database Syst Rev 2000; :CD001960.

  4. Lacy BE, Talley NJ, Locke GR 3rd, et al. Review article: current treatment options and management of functional dyspepsia. Aliment Pharmacol Ther 2012; 36:3.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE