Giới thiệu
Máu rất cần thiết cho việc vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng và các chất khác đến các mô trên cơ thể. Máu được hiến có thể là cứu cánh cho những người bị mất máu vì tai nạn hoặc phẫu thuật, cũng như cho những người bị thiếu máu nghiêm trọng hoặc có số lượng tiểu cầu thấp tới mức nguy hiểm do một số bệnh và / hoặc phương pháp điều trị.
Các biện pháp sàng lọc giúp tối đa hóa sự an toàn của việc hiến máu cho người hiến và người nhận.
Đối với những người đang xem xét hiến máu, trung tâm máu ở địa phương có thể mô tả các tiêu chí để trở thành một người hiến máu. Các trang web ở cuối chủ đề này cũng bao gồm thông tin về các tiêu chí đủ điều kiện, có thể thay đổi đôi chút giữa các trung tâm máu khác nhau. Những người có các vấn đề y khoa từ trước có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hiến máu trong thời gian đại dịch COVID-19
Bệnh Coronavirus 2019 (COVID-19) là bệnh gây ra bởi một loại virus có tên SARS-CoV-2. Virus xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và kể từ đó đã lan rộng khắp thế giới.
Người dân ở nhiều khu vực được khuyên dành tối đa thời gian ở nhà. Lời khuyên này rất quan trọng nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Nhưng điều này cũng có nghĩa là có ít người đi hiến máu. Các bác sĩ lo lắng rằng vì nhiều người ở nhà nên có thể không đủ máu cho những người cần máu.
Nếu bạn khỏe mạnh và có thể hiến máu, đây là thời điểm thực sự quan trọng để đi hiến máu. Nếu bạn bị COVID-19 và đã hồi phục, bạn cũng có thể hiến huyết tương (huyết tương là phần chất lỏng của máu); huyết tương từ những người đã hồi phục sau khi bị COVID-19 đang được nghiên cứu như một phương pháp điều trị khả thi.
Trong một số trường hợp, những người trước đây không đủ điều kiện để hiến máu bây giờ đã có thể hiến máu. Vấn đề này được thảo luận chi tiết hơn dưới đây.
Bạn có thể tìm thấy thông tin trực tuyến về nơi hiến máu trong khu vực của bạn. Trong đại dịch COVID-19, một số nơi bạn thường có thể hiến máu có thể bị đóng cửa và những nơi khác có thể đang tổ chức hiến máu. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua các nguồn sau:
● Trung tâm huyết học trong cộng đồng của bạn
● Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ
● AABB
Nếu bạn bị COVID-19 hoặc có các triệu chứng như sốt hoặc ho, đừng cố gắng đi hiến máu.
Máu được hiến không được xét nghiệm vi-rút gây ra COVID-19 và bạn không nên hiến máu nhằm mục đích để được xét nghiệm. Nếu bạn bị nhiễm trùng, việc ở cạnh người khác cũng khiến họ có nguy cơ mắc bệnh.
Các biện pháp để bảo vệ người hiến máu
Một số biện pháp được sử dụng để đảm bảo rằng hiến máu an toàn đối với người hiến và không có khả năng có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đối với sức khỏe của họ.
Hỏi tiền sử y khoa - Tất cả những người hiến máu đều được hỏi những câu hỏi về tiền sử y tế của họ để giúp xác định xem họ có thể hiến máu một cách an toàn mà không gặp bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến sức khỏe hay không.
● Bệnh tim, phổi và máu – những người muốn hiến máu sẽ được hỏi liệu họ đã từng mắc các bệnh về tim, phổi hoặc máu hay chưa. Những người mắc bệnh tim, bệnh van tim, nhịp tim không đều, bệnh mạch máu não, suy tim và một số bệnh về phổi có thể sẽ không được hiến máu, hoặc họ có thể được phép hiến máu với điều kiện đã được xác nhận bởi bác sĩ rằng những bệnh này hiện không ảnh hưởng tới họ và họ không bị các triệu chứng chính của bệnh trong sáu tháng trước. Một số bệnh về máu như thiếu máu do thiếu sắt hoặc bệnh bạch cầu mãn tính cũng có thể khiến bạn không được hiến máu.
● Các vấn đề y khoa khác – Những người muốn hiến máu sẽ được hỏi rằng họ có cảm thấy khỏe trong ngày họ đi hiến máu hay không. Người có ý định muốn hiến máu nên đề cập đến các vấn đề y tế nghiêm trọng khác cho bác sĩ, sau đó bác sĩ sẽ đánh giá họ có thích hợp để hiến máu hay không.
● Động kinh - Những người có tiền sử co giật có thể hiến máu, miễn là họ không bị động kinh trong một khoảng thời gian nhất định (thường là từ một đến sáu tháng).
● Phẫu thuật gần đây - Những người đã trải qua phẫu thuật gần đây được phép hiến máu khi quá trình lành thương hoàn tất và họ đã hoạt động trở lại một cách bình thường. Tuy nhiên, nếu họ được truyền máu tại thời điểm phẫu thuật, họ không được phép hiến máu trong vòng một năm.
● Mang thai - Phụ nữ mang thai không được phép hiến máu khi mang thai và trong sáu tuần sau khi thai kỳ kết thúc.
● Yêu cầu về độ tuổi - Độ tuổi hiến máu tối thiểu là 16 hoặc 17 tuổi, tùy theo tiểu bang. Khi được phép, trẻ 16 tuổi phải mang theo giấy phép có chữ ký của phụ huynh. Trong hầu hết các trường hợp, không có giới hạn độ tuổi trên cho việc hiến máu, mặc dù một số trường hợp cần có sự đồng thuận của bác sĩ của người hiến máu.
● Yêu cầu về cân nặng - Những người có cân nặng dưới 50 kg không được phép hiến máu. Người hiến càng ít cân, khả năng càng cao có những phản ứng như chóng mặt và ngất sau khi hiến. Mặc dù phản ứng khi hiến máu rất hiếm, những người nặng từ 50 đến 54 kg nhiều khả năng hơn sẽ gặp phải các phản ứng này. Hầu hết các trung tâm máu thực hiện đánh giá bổ sung những người hiến máu từ 16 đến 18 tuổi có cân năng cao hơn ngưỡng yêu cầu, có tính đến lượng máu ước tính của người hiến, được tính toán từ chiều cao và cân nặng của người hiến. Không có giới hạn trọng lượng tối đa để hiến máu, mặc dù một số trung tâm có giới hạn trọng lượng tối đa dựa trên giới hạn kích thước / cân nặng của ghế ngồi khi họ hiến máu.
Các câu hỏi cũng được đặt ra về vấn đề an toàn truyền máu cho người nhận máu, chẳng hạn như khả năng bị nhiễm trùng từ máu được truyền.
Đánh giá y khoa - Ngoài tiền sử bệnh, những người hiến máu được kiểm tra sức khỏe nhanh trước khi hiến máu để phát hiện bất kì dấu hiệu rõ ràng nào về bệnh tật hoặc các vấn đề sẽ khiến họ không đủ điều kiện hiến máu.
● Sinh hiệu - Mạch, huyết áp và nhiệt độ của người hiến được kiểm tra trước khi hiến máu. Những người bị sốt, huyết áp cao (thường cao hơn 180/100), nhịp tim rất cao hoặc rất thấp (ngoại trừ những vận động viên tập luyện cường độ cao và những người đang dùng thuốc chẹn beta), hoặc nhịp tim không đều tạm thời không được phép hiến máu.
● Xét nghiệm máu - Một mẫu máu nhỏ được lấy từ đầu ngón tay và được kiểm tra lượng huyết sắc tố trong máu. Xét nghiệm này được thực hiện để đảm bảo rằng người hiến không bị thiếu máu hoặc có khả năng bị thiếu máu sau khi họ hiến máu. Những người có nồng độ huyết sắc tố quá thấp tạm thời không được phép hiến máu.
Quá trình hiến máu – Khi hiến máu, người hiến được ngồi thoải mái trên ghế, và kim được luồn vào cánh tay để lấy máu. Các thủ thuật này được thực hiện đủ chậm để giảm thiểu các triệu chứng có thể xảy ra như chóng mặt. Một đơn vị máu được lấy ra (khoảng 500 mL). Người hiến máu được theo dõi trong quá trình hiến máu và được cho một ít nước trái cây hoặc nước hoặc đồ ăn nhẹ khác sau đó.
Khoảng thời gian cho đến lần hiến máu tiếp theo - Theo quy định của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), những người có ý định hiến máu đủ điều kiện hiến máu khi lần hiến này cách lần hiến máu trước đó từ 56 ngày (tám tuần) trở lên. Tuy nhiên, không phải tất cả những người hiến máu sẽ có thể đủ điều kiện đạt được khoảng thời gian tối thiểu này, vì điều này phụ thuộc vào việc cơ thể người đó có thể sản xuất các tế bào hồng cầu nhanh tới mức nào. Ví dụ, phụ nữ ra kinh nhiều sẽ không thể hiến máu mỗi 56 ngày vì kho dự trữ sắt của họ không đủ để bổ sung các tế bào hồng cầu bị mất.
Thiếu sắt - Hiến máu sẽ loại bỏ sắt khỏi cơ thể và có thể dẫn đến thiếu sắt nếu lượng sắt dự trữ trong cơ thể thấp. Nguy cơ thiếu sắt cao nhất ở những người hiến máu ở tuổi vị thành niên; phụ nữ chưa mãn kinh, đặc biệt nếu họ đã mang thai; và những người hiến máu thường xuyên (như nam giới ở mọi lứa tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi hiến máu ba lần trở lên mỗi năm hoặc phụ nữ dưới 50 tuổi hiến máu hai lần trở lên mỗi năm). Vì chiến lược ăn uống các thực phẩm giàu chất sắt không đủ để bổ sung lượng sắt đã mất, nhiều tổ chức huyết học khuyên rằng những người có nguy cơ thiếu sắt nên bổ sung vitamin tổng hợp có chứa sắt hoặc bổ sung sắt trong khoảng 60 ngày để thay thế lượng sắt bị mất qua mỗi lần hiến máu.
PHÂN TÁCH MÁU
Một công nghệ gọi là phân tách máu đã được phát minh để giúp thu thập các thành phần cụ thể của máu.
Phân tách máu được sử dụng để thu thập có chọn lọc các tế bào hồng cầu, tiểu cầu (thành phần máu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu), huyết tương và bạch cầu hạt (một loại tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng). Thủ thuật được thực hiện tại trung tâm huyết học hoặc tại một đợt hiến máu. Kim được luồn vào vào tĩnh mạch ở mỗi cánh tay, máu được rút qua một kim, được truyền qua một thiết bị phân tách huyết tương khỏi các loại tế bào máu cụ thể (tiểu cầu hoặc hồng cầu) và giữ lại thành phần mong muốn, sau đó phần máu còn lại được đưa về cho người hiến thông qua kim khác. Phải mất từ một đến hai giờ cho toàn bộ quá trình này.
Các thành phần khác nhau của máu bao gồm:
● Huyết tương - Đây là phần chất lỏng của máu chứa các tế bào máu.
● Các tế bào hồng cầu - Những người hiến máu có thể cung cấp các tế bào hồng cầu bằng phương pháp phân tách máu mỗi 16 tuần một lần. Khoảng thời gian này giãn cách hơn so với hiến máu toàn phần vì một số lượng lớn các tế bào hồng cầu đã được thu thập trong quá trình phân tách máu.
● Tiểu cầu - Những người hiến máu có thể cho tiểu cầu tối đa 24 lần mỗi năm. Khoảng 1 phần trăm số người có phản ứng nhẹ với một trong những chất (citrate) được trộn với máu trong quá trình hiến tiểu cầu; phản ứng có thể bao gồm cảm giác tê và ngứa ran, chuột rút và buồn nôn. Phản ứng này có thể được điều trị hoặc ngăn ngừa bằng cách bổ sung canxi trước hoặc trong khi hiến.
● Bạch cầu hạt - Người hiến tặng bạch cầu hạt có thể được cung cấp yếu tố kích thích khuẩn lạc bạch cầu hạt (granulocyte colony-stimulating factor - G-CSF) và / hoặc một loại thuốc glucocorticoid được gọi là dexamethasone vào ngày trước khi hiến để tăng số lượng bạch cầu hạt trong máu. Glucocorticoids thường không được dùng cho những người bị tiểu đường, loét đường tiêu hóa hoặc tăng nhãn áp. Các tác dụng phụ của G-CSF và dexamethasone có thể bao gồm đau đầu, đau khớp, mệt mỏi, mất ngủ, dị ứng và sốt.