DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU THIẾU SẮT Ở NGƯỜI LỚN

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU THIẾU SẮT Ở NGƯỜI LỚN

11/07/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU THIẾU SẮT Ở NGƯỜI LỚN

TỔNG QUAN

Các tế bào hồng cầu trong cơ thể có chức năng vận chuyển oxy nuôi cơ thể.  Khi có quá ít tế bào hồng cầu sẽ không đảm nhiệm đầy đủ chức năng này và cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là tình trạng xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt, hay nói cách khác là cơ thể bị thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt. Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu mái thiếu sắt như: rong kinh rong huyết, ung thư, loét dạ dày tá tràng,… Thiếu máu thiếu sắt có thể ở mức độ nặng hoặc nhẹ. Bệnh phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ đang trong chu kì kinh nguyệt hoặc phụ nữ mang thai. Ở các nước phát triển, tỉ lệ bệnh cũng cao hơn do thiếu sắt trong chế độ ăn uống.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về triệu chứng, nguyên nhân cũng như phương hướng điều trị thiếu máu do thiếu sắt ở người lớn.  

THIẾU MÁU LÀ GÌ?

Thiếu máu được định nghĩa là sự sụt giảm tế bào hồng cầu (RBCs) thể hiện qua các xét nghiệm. 

  • Hemoglobin (Hgb) là phân tử chứa sắt trong hồng cầu. Sắt là một thành phần quan trọng của huyết sắc tố; không có sắt, hemoglobin không thể được hình thành và tạo ra ít hồng cầu hơn.

  • Hematocrit (Hct) là phần trăm máu được tạo thành từ tế bào hồng cầu. Phần còn lại được tạo thành từ huyết tương. 

  • RBC là số lượng tế bào hồng cầu trong máu toàn phần. 

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không đủ lượng sắt để tạo ra huyết sắc tố. Khi số lượng huyết sắc tố giảm, ít hồng cầu được hình thành và kích thước các hồng cầu cũng hỏ hơn bình thường. Biểu hiện triệu chứng ở mỗi người có thể khác nhau. Thiếu sắt nhưng không thiếu máu cũng có thể biểu hiện các triệu chứng tương tự.

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG

Nhiều người không biểu hiện triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất gồm: 

  • Dễ mệt mỏi

  • Đau đầu

  • Dễ cáu gắt

  • Tim đập nhanh, thở nhanh hơn bình thường khi hoạt động thể lực

  • Móng giòn

  • Mất gai lưỡi

  • Hội chứng chân không yên

  • Thèm ăn những đồ vật không phải thực phẩm bình thường như: đất sét, giấy, bột bắp, đá,…

 NGUYÊN NHÂN

Hai nguyên nhân phổ biến của thiếu máu thiếu sắt là: mất máu và không hấp thu đủ sắt từ thực phẩm. 

Mất máu — Nguồn mất máu có thể rõ ràng như rong kinh rong huyết hoặc đa thai ở phụ nữ, hay chảy máu rỉ rả trong loét dạ dày tá tràng (đã xác định được ổ loét). Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể tìm thấy nguồn gốc cụ thể như mất máu qua đường tiêu hóa nhưng không xác định được ổ mất máu mà chỉ biểu hiện dưới các triệu chứng như: tiêu phân đen, phân có màu như hắc ín.  Nếu mất máu xảy ra chậm, phân có thể có màu bình thường. Hiến máu thường xuyên cũng gây ra thiếu sắt. 

Giảm hấp thu sắt — Bình thường, cơ thể hấp thụ sắt từ thức ăn qua đường tiêu hóa. Những người có vấn đề về đường tiêu hóa có thể giảm hấp thu sắt như: bệnh celiac, viêm dạ dày tự miễn, các bệnh viêm dạ dày khác, phẫu thuật cắt dạ dày (để giảm cân) hoặc các hình thức phẫu thuật giảm cân khác. Khi không đủ lượng sắt, không có sắt để tạo hồng cầu, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. 

Nguyên nhân — Một nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu do thiếu sắt ở các nước đang phát triển là thiếu thực phẩm có chứa sắt. Tuy nhiên, điều này hiếm thấy ở người lớn các nước phát triển vì có nhiều loại thực phẩm có chứa sắt hoặc được bổ sung thêm sắt (ngũ cốc ăn sáng, bánh mì, mì ống). Sắt cũng có sẵn trong một số thực phẩm chế biến từ thực vật.

Phụ nữ mang thai và sau sinh có thể bị thiếu máu thiếu sắt do nhu cầu sắt của thai nhi và nhau thai ngày càng tăng và mất máu tại thời điểm sinh nở.

CHẨN ĐOÁN

Thiếu máu được phát hiện khi có triệu chứng hoặc vô tình biết khi xét nghiệm các bệnh lí khác. 

Xét nghiệm máu toàn phần — Công thức máu toàn bộ (CBC) là một nhóm các xét nghiệm bao gồm số lượng tế bào hồng cầu (RBC), huyết sắc tố (Hgb) và hematocrit (Hct), thể tích trung bình của hồng cầu (MCV, liên quan đến kích thước RBC), huyết sắc tố trung bình (MCH, đề cập đến lượng huyết sắc tố trên mỗi hồng cầu) và các loại khác.

Ở những người bị thiếu máu thiếu sắt, số lượng hồng cầu, Hgb và Hct thấp hơn bình thường. MCV và MCH thường bình thường ở giai đoạn  nhưng có thể trở nên thấp hơn bình thường, cho thấy RBC nhỏ hơn (gọi là microcytic) và mang ít Hgb hơn RBC bình thường.

Là một phần của CBC, hình dạng, màu sắc và kích thước của RBC cũng được đánh giá. Những thông tin này giúp phân loại dạng thiếu máu.

Các xét nghiệm khác — Trong nhiều trường hợp, nếu nghi ngờ thiếu máu do thiếu sắt sau khi phân tích tế bào máu toàn phần, bác sĩ sẽ đề nghị thêm các  xét nghiệm. 

  • Sắt huyết thanh — Đo lượng sắt lưu thông trong máu. Kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi các chất bổ sung sắt và thậm chí các bữa ăn gần đây. 

  • TIBC hay transferrin — Đo lượng protein (transferrin) trong máu có khả năng vận chuyển sắt đến hồng cầu hoặc đến vị trí lưu trữ trong cơ thể.

  • Độ bão hòa transferrin (TSAT) — Đo tỷ lệ phần trăm các vị trí gắn sắt trên transferrin bị chiếm bởi sắt. Con số này được tính bằng cách chia sắt huyết thanh cho TIBC.

  • Ferritin — Đo lường một loại protein dự trữ sắt trong gan và lách. Protein này có thể tăng trong một số trường hợp khác gây nhầm lẫn về kết quả như trong nhiễm trùng cấp tính. Ferritin thấp cho thấy thiếu sắt, nhưng một ferritin bình thường hoặc tăng có thể phản ánh dự trữ sắt nhiều hoặc tình trạng viêm. Trong những trường hợp như vậy, TSAT là chỉ số cần thiết để xem xét có cần bổ sung sắt hay không.

Ở một người bị thiếu máu do thiếu sắt, sắt huyết thanh, độ bão hòa transferrin và ferritin thấp hơn bình thường và TIBC có thể cao hơn bình thường. Ferritin và TSAT là các xét nghiệm hữu ích nhất giúp xác định chẩn đoán.

Tìm kiếm nguồn gốc mất máu và mất sắt — Khi đã xác định chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt, điều quan trọng là xác định nguyên nhân mất máu. Bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân thông qua các câu hỏi về:

  • Tiền sử chảy máu tử cung bất thường, mang thai và / hoặc sinh nở đối với các bệnh nhân nữ.

  • Các vấn đề về đường tiêu hóa như loét, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), viêm dạ dày tự miễn hoặc bệnh celiac

  • Phẫu thuật trên đường tiêu hóa (cắt dạ dày để giảm cân)

  • Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị rối loạn chảy máu

  • Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị ung thư ruột kết

  • Hiến máu nhiều

  • Sử dụng các loại thuốc có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen (tên thương mại: Advil, Motrin) và naproxen (tên thương mại: Aleve, Naprosyn)

  • Các triệu chứng chảy máu từ đường tiêu hóa như tiêu phân đen, phân hắc ít, tiêu ra máu, đau bụng,.. 

 Nếu nguyên nhân mất máu là không rõ ràng, sẽ cần các xét nghiệm bổ sung, gồm nội soi đại tràng hoặc nội soi đường tiêu hóa trên để tìm kiếm vị trí chảy máu và các xét nghiệm máu liên quan vấn đề hấp thụ sắt như viêm dạ dày tự miễn, bệnh celiac và nhiễm H. pylori. Tìm kiếm vị trí chảy máu ở đại tràng đặc biệt quan trọng ở những người trên 50 tuổi

PHƯƠNG HƯỚNG ĐIỀU TRỊ

Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là tìm hiểu nguyên nhân thiếu máu có thực sự là do mất máu không bằng cách khảo sát chức năng dạ dày, ruột, Với phụ nữ sẽ kiểm tra chu kì kinh nguyệt, xem có bị rong kinh rong huyết kéo dài hơn bình thường.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gây thiếu máu là gì, cũng sẽ được bổ sung sắt. Ngoài ra, nếu thiếu máu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần truyền máu. Song song đó sẽ điều trị nguyên nhân đi kèm ( nếu có ). Viên sắt uống được sử dụng ở hầu hết những người bị thiếu máu thiếu sắt. Sắt truyền tĩnh mạch có thể được sử dụng cho những người có đường tiêu hóa không thể hấp thụ đủ chất sắt hoặc thông thường hơn ở những người không thể dung nạp sắt đường uống (như bị tác dụng phụ: táo bón, buồn nôn hoặc chuột rút)

Có thể truyền máu nếu một người chảy máu nhiều và / hoặc mức Hgb hoặc hematocrit (Hct) rất thấp, nhưng truyền máu thường không cần thiết.

Thiếu sắt không thể bù đắp chỉ bằng tăng sắt trong chế độ ăn, mà bao giờ cũng cần có sắt dược phẩm do đó bệnh nhân phải uống thêm sắt hoặc truyền tĩnh mạch, tùy trường hợp.

Khi uống sắt có thể gây một số tác dụng phụ khó chịu như: táo bón. Bác sĩ điều trị cs thể kê thêm một số thuốc đi kèm để giảm tình trạng này. 

Uống sắt — Viên sắt uống thường là một phương pháp điều trị an toàn, rẻ tiền và hiệu quả cho những người bị thiếu sắt. Các mẹo sau được khuyến nghị:

  • Sắt được hấp thụ tốt nhất nếu được sử dụng mỗi ngày (hoặc cách ngày, ví dụ, vào Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu), cho những người có thể theo dõi loại lịch trình này. 

  • Không nên dùng viên sắt bọc ruột (EC) vì sắt được hấp thu tốt nhất từ ​​tá tràng và ở phần đầu và phần giữa của ruột non. Sắt EC giải phóng sắt xuống sâu hơn trong đường ruột, vị trí đó rất khó hấp thu. Trong một số trường hợp, viên sắt EC đi qua toàn bộ đường ruột với lớp phủ còn nguyên vẹn, nghĩa là không có chất sắt nào được hấp thụ và uống sắt trở nên vô nghĩa. 

  • Một số loại thực phẩm và thuốc có thể làm giảm hiệu quả của viên sắt. Viên sắt thường không nên dùng cùng với thức ăn, một số loại kháng sinh, trà, cà phê, bổ sung canxi hoặc sữa. Sắt nên được uống một giờ trước hoặc hai giờ sau khi dùng các sản phẩm trên. Nếu bạn dùng thuốc kháng axit, nên uống viên sắt hai giờ trước hoặc bốn giờ sau khi dùng thuốc kháng axit.

  • Viên sắt được hấp thụ tốt nhất trong môi trường axit; uống sắt với một viên vitamin C 250 mg hoặc nước cam có thể tăng cường hấp thu sắt.

Các loại viên sắt dạng uống — Có một số loại sắt dạng uống, và ngoại trừ các viên sắt bọc ruột (EC) được đề cập ở trên, chúng đều có hiệu quả như nhau. Sự khác biệt chính giữa các loại là lượng sắt chứa trong mỗi sản phẩm . Đối với nhiều sản phẩm, số miligam cho viên thuốc khác với số miligam của các phân tử sắt thực tế (gọi là sắt nguyên tố):

  • Ferrous fumarate — 106 mg sắt nguyên tố/ viên

  • Ferrous sulfate — 65 mg sắt nguyên tố/ viên

  • Ferrous sulfate dạng lỏng — 44 mg sắt nguyên tố/ muỗng cà phê (5ml)

  • Ferrous gluconate — 28 to 36 mg sắt nguyên tố/ viên

  • Phức hợp sắt Polysacarit - nhiều liều khác nhau

Trước đây, thuốc viên sắt thường được kê đơn để sử dụng hàng ngày, thường là nhiều liều mỗi ngày. Như đã lưu ý ở trên, nhiều bằng chứng gần đây cho thấy rằng uống sắt mỗi ngày cho phép cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt hơn đồng thời giảm nguy cơ tác dụng phụ đường tiêu hóa 

Tác dụng phụ — Một số người bị dị ứng với mùi vị kim loại, buồn nôn, táo bón, đau dạ dày, phân có màu sẫm và / hoặc nôn sau khi uống sắt. Khi đó cần: 

  • Giảm liều

  • Uống sắt cùng với thức ăn (mặc dù điều này sẽ làm giảm lượng chất sắt mà cơ thể hấp thụ, nhưng vẫn tốt hơn là không dùng nó)

  • Sử dụng thuốc có công thức với hàm lượng sắt nguyên tố thấp hơn (ví dụ: gluconate sắt thay vì sắt sunfat)

  • Dùng dạng lỏng của sunfat sắt và điều chỉnh liều cho đến khi cơ thể có thể chịu được các tác dụng phụ.

  • Chuyển sang dạng tiêm

Khi uống viên sắt, phân sẽ có màu sẫm, gần như đen (thực ra là màu xanh đậm). Điều này là bình thường, bệnh nhân không cần lo lắng. 

Trẻ em có nguy cơ ngộ độc sắt, do vậy, cần bảo quản thuốc xa tầm tay trẻ em

Thời gian điều trị — Điều trị bằng sắt uống được khuyến cáo cho đến khi huyết sắc tố (Hgb) và hematocrit trở lại chỉ số bình thường. Thông thường mất khoảng sáu tháng.

Nếu uống sắt mà không tăng chỉ số hemoglobin — Đôi khi, Hgb của một người sẽ không cải thiện mặc dù điều trị bằng sắt uống. Bác sĩ sẽ đi tìm nguyên nhân, nhưng có một số điều cần lưu ý: 

  • Dùng thuốc đúng chỉ định. Nguyên nhân thường gặp là bệnh nhân không tuân thủ điều trị. 

  • Sử dụng loại sắt kém hấp thu như EC 

  • Bị các bệnh lí dẫn đến kém hấp thu sắt như viêm dạ dày tự miễn, bệnh celiac hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori 

  • Có nguyên nhân gây thiếu máu khác ngoài thiếu sắt mà chưa được chẩn đoán đầy đủ. 

  • Có hiện tượng mất máu liên tục rỉ rả chưa được kiểm soát tốt.

  • Hấp thu sắt tốt hơn qua đường tĩnh mạch hơn là đường uống

Truyền tĩnh mạch — Sắt có thể được cung cấp bằng cách tiêm tĩnh mạch (IV) trong một số trường hợp, chẳng hạn như ở những người không chịu được tác dụng phụ của sắt uống hoặc đường tiêu hóa không thể hấp thụ đủ lượng sắt từ thuốc. Ví dụ như những người mắc bệnh viêm ruột, bệnh thận và sau phẫu thuật giảm cân. Sắt truyền tĩnh mạch được truyền vào tĩnh mạch và thực hiện tại cơ sở y tế, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong thời gian truyền. Khoảng thời gian cần thiết cho truyền dịch và số lượng truyền phụ thuộc vào việc sử dụng sản phẩm sắt tiêm tĩnh mạch và mức độ nghiêm trọng của thiếu sắt.

Tác dụng phụ — Trước đây dạng sắt tiêm tĩnh mạch (dextran sắt trọng lượng phân tử cao [tên thương mại: Dexferrum]) có nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các sản phẩm sắt tiêm tĩnh mạch được sử dụng ngày nay có nguy cơ phản ứng dị ứng hoặc phản vệ cực kỳ thấp (dưới 0,01%). Phản ứng sau truyền dịch có thể gặp là  sưng đỏ tạm thời, đau lưng và các triệu chứng khác và thường biến mất khi truyền chậm hoặc ngừng. Một số bệnh nhân có tiền sử viêm khớp dạng thấp có thể bị viêm khớp nhưng có thể giảm hoặc phòng ngừa bằng một liệu trình ngắn của steroid.

Các cách tốt nhất để giảm thiểu các phản ứng này bao gồm tránh sử dụng thuốc kháng histamine, truyền dịch chậm hơn và ở một số bệnh nhân (những người có tiền sử dị ứng thuốc) cần tiêm steroid trước khi tiêm truyền. Nếu bạn bị đau lưng hoặc đau khớp tại nhà sau khi tiêm truyền sẽ được kê thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như: ibuprofen (tên thương mại: Advil, Motrin) và naproxen (tên thương mại: Aleve).

Truyền máu — Truyền máu cần thiết khi gười bị thiếu máu nặng.

Truyền máu là đưa một hoặc nhiều đơn vị tế bào hồng cầu đóng gói (PRBCs) vào tĩnh mạch. Mỗi đơn vị PRBC chứa RBC từ một đơn vị máu được hiến bởi một người hiến tự nguyện (với khoảng 200 mg sắt) và sẽ tăng Hgb lên khoảng 1 g / dL. 

Truyền máu thường áp dụng cho những người có huyết áp thấp hoặc không ổn định do chảy máu, và / hoặc nếu các cơ quan của người (não, tim) bị thiếu oxy do thiếu máu nghiêm trọng. Các triệu chứng điển hình bao gồm đau ngực và / hoặc khó thở, hoặc bất tỉnh trong các trường hợp nặng. Việc truyền máu cũng được xem xét trong các trường hợp chọn lọc nếu mức Hgb hoặc hematocrit rất thấp (ví dụ, Hgb dưới 7 g / dL hoặc hematocrit dưới 20 phần trăm)

Tác dụng phụ — Có thể gặp tác dụng phụ khi truyền máu, trong đó phổ biến nhất là sốt hoặc ngứa. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra trong 0,1% đến 1% trường hợp. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí đe dọa tính mạng hoặc các biến chứng khác có thể xảy ra, nhưng rất hiếm.

Nguy cơ nhiễm vi-rút viêm gan C hoặc vi-rút gây ra AIDS là cực kỳ thấp do quá  trình sàng lọc trước đó. Xác suất xảy ra là một lần trong mỗi hai triệu lần truyền máu.

Chế độ ăn — Mặc dù sắt trong chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc ngăn ngừa thiếu sắt, nhưng những người bị thiếu máu thiếu sắt cần nhiều chất sắt hơn mức họ có thể tiêu thụ thông qua chế độ ăn uống. Trong chế độ ăn kiêng 2000 calo, chỉ có khoảng 10 mg sắt nguyên tố (so với 65 mg trong một viên thuốc sắt sulfate 325 mg). Do đó, tăng sắt trong chế độ ăn thường không được khuyến cáo như là một phương pháp điều trị cho bệnh thiếu máu do thiếu sắt, mặc dù nó có thể được khuyến nghị kết hợp với liệu pháp bổ sung sắt.

Sắt có trong thịt, ngũ cốc, trái cây và rau quả. Đối với những người không ăn thịt, nguồn chất sắt thực vật tốt bao gồm bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên hạt hoặc làm giàu, ngũ cốc tăng cường, các loại đậu, rau lá xanh, trái cây sấy khô, sản phẩm đậu nành, mật mía, bulgur và mầm lúa mì. Để tối đa hóa sự hấp thụ, thực phẩm giàu chất sắt không nên dùng chung với cà phê hoặc trà. Uống vitamin C hoặc uống nước cam với thực phẩm nhiều chất sắt có thể tăng cường hấp thu sắt.

PHÒNG NGỪA THIẾU MÁU

Những người đã từng bị thiếu máu do thiếu sắt có thể có nguy cơ  tái phát tùy thuộc vào lý do ban đầu họ bị thiếu máu. Ở những người này, có thể chất bổ sung sắt để duy trì lượng sắt dự trữ trong cơ thể. Sắt thường có trong vitamin tổng hợp uống trước khi sinh cho phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, không nên uống bổ sung sắt và vitamin tổng hợp có chứa sắt mà không hỏi ý kiến bác sĩ.  ​​Uống sắt khi chưa có chỉ định có thể làm lu mờ triệu chứng của các bệnh như:  ung thư ruột kết hoặc các rối loạn tiêu hóa khác. Hầu hết đàn ông và phụ nữ mãn kinh không cần bổ sung sắt trừ khi họ mắc bệnh tiềm ẩn làm giảm hấp thu sắt hoặc gây chảy máu.

NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Recommendations to prevent and control iron deficiency in the United States. Centers for Disease Control and Prevention. MMWR Recomm Rep 1998; 47:1.

  2. Auerbach M, Goodnough LT, Picard D, Maniatis A. The role of intravenous iron in anemia management and transfusion avoidance. Transfusion 2008; 48:988.

  3. Baker WF Jr. Iron deficiency in pregnancy, obstetrics, and gynecology. Hematol Oncol Clin North Am 2000; 14:1061.

TAGS: hdcare, THIẾU MÁU

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE