ĐAU ĐẦU Ở TRẺ EM: ĐÁNH GIÁ VÀ ĐIỀU TRỊ (PHẦN 2).

ĐAU ĐẦU Ở TRẺ EM: ĐÁNH GIÁ VÀ ĐIỀU TRỊ (PHẦN 2).

21/09/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

ĐAU ĐẦU Ở TRẺ EM: ĐÁNH GIÁ VÀ ĐIỀU TRỊ (PHẦN 2).

 

ĐÁNH GIÁ ĐAU ĐẦU

Đau đầu thường có thể điều trị tại nhà. Nếu trẻ khỏe và không có dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng lo ngại thì có thể tự điều trị cho trẻ trước khi cần đến bệnh viện.

Khi nào cần tìm sự giúp đỡ - Nếu trẻ có một hoặc nhiều điều sau đây thì trẻ nên đến gặp bác sĩ:

●Nếu đau đầu xảy ra sau một chấn thương đầu

●Nếu cơn đau nặng hoặc có những triệu chứng liên quan, chẳng hạn như nôn mửa, những thay đổi tầm nhìn hoặc nhìn đôi, đau cổ hoặc cứng cổ, lú lẫn, mất thăng bằng hay loạng choạng hoặc sốt (nhiệt độ cao hơn 100.4°F/38°C)

●Nếu đau đầu làm đánh thức trẻ và kéo dài ngay cả khi trẻ đã thức dậy

●Nếu đau đầu xảy ra nhiều hơn một lần mỗi tháng

●Nếu trẻ nhỏ hơn sáu tuổi

●Nếu trẻ có bệnh lý nội khoa nền như bệnh hồng cầu hình liềm, suy giảm miễn dịch, các bất thường gây chảy máu, u sợi thần kinh, hay bệnh xơ cứng củ phức tạp

Bệnh sử và thăm khám lâm sàng - Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây ra đau đầu ở trẻ em có thể được xác định bằng cách hỏi bệnh sử khám lâm sàng đầy đủ. Chẩn đoán hình ảnh thường là không cần thiết.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu phụ huynh hoặc trẻ ghi lại nhật ký đau đầu trong vài tháng. Cuốn nhật ký có thể cung cấp thông tin chi tiết về thời gian, ngày tháng và các đặc điểm của đau đầu.

Xét nghiệm hình ảnh - Sự cần thiết của một xét nghiệm hình ảnh phụ thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng, khám lâm sàng và bệnh sử của từng trẻ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em bị đau đầu mà khám lâm sàng thấy bình thường thì thường sẽ không cần xét nghiệm hình ảnh như chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ). Nếu khám thấy trẻ có dấu hiệu thần kinh không bình thường, bị đau đầu dữ dội mới xảy ra hoặc có dấu hiệu, triệu chứng đáng lo ngại khác thì sẽ được thực hiện xét nghiệm hình ảnh. MRI được khuyên làm trong hầu hết các trường hợp, nhưng chụp CT có thể thích hợp hơn nếu việc kiểm tra hình ảnh là cấp bách.

ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU

Điều trị đau đầu phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, loại, tần suất đau đầu và các đặc điểm khác.

Điều trị đau đầu liên quan đến bệnh hoặc chấn thương - Trẻ bị đau đầu do một bệnh tiềm ẩn hoặc chấn thương đầu nhẹ có thể được điều trị tương tự như một đứa trẻ bị đau đầu căng cơ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng có thể chỉ điểm một tình trạng nghiêm trọng hơn, cần được bác sĩ đánh giá.

Điều trị đau đầu căng cơ

Đau đầu căng cơ lhông thường xuyên – Đau đầu căng cơ không thường xuyên được định nghĩa là xảy ra ít hơn một lần mỗi tháng. Trẻ bị đau đầu căng cơ không thường xuyên có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không cần kê toa, chẳng hạn như acetaminophen cho trẻ em (tên thương mại là Tylenol) hoặc ibuprofen (tên thương mại: Advil, Motrin). Aspirin không được chỉ định ở những trẻ nhỏ hơn 16 tuổi do nguy cơ bị một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye. Liều lượng acetaminophen và ibuprofen nên được dựa trên trọng lượng của trẻ, chứ không phải là dựa trẹn độ tuổi.

Các đề nghị khác bao gồm những điều sau đây:

●Xác định và làm giảm hoặc loại bỏ bất kỳ yếu tố gây ra hoặc làm đau đầu nặng hơn dựa trên thông tin từ nhật ký đau đầu (ví dụ, căng thẳng, thiếu ngủ, các yếu tố dinh dưỡng).

●Thông báo cho bác sĩ biết nếu có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện, bao gồm sốt, cứng cổ, mất thị lực hoặc nhìn đôi.

●Nghỉ ngơi – Yêu cầu trẻ nằm xuống và thư giãn, áp một miếng vải ướt mát lên trán. Nói chuyện với trẻ để xác định xem liệu bé có lo lắng hoặc lo sợ gì về các hoạt động ở nhà hoặc trường học hay không.

●Kéo giãn và xoa bóp – Kéo giãn và xoa bóp các cơ ở cổ nếu các cơ bị căng.

●Thức ăn - Nếu trẻ chưa được ăn, hãy cho trẻ một bữa ăn nhẹ. Bỏ ăn đôi khi có thể làm đau đầu trầm trọng thêm.

Đau đầu căng cơ thường xuyên hoặc mạn tính -Nếu trẻ bị đau đầu căng cơ thường xuyên hoặc mạn tính (ví dụ, ≥15 ngày đau đầu mỗi tháng), điều trị bước một là thuốc giảm đau cấp cứu không cần kê toa, chẳng hạn như acetaminophen trẻ em (tên thương mại: Tylenol) hoặc ibuprofen (tên thương mại: Advil, Motrin). Aspirin không được chỉ định ở những trẻ nhỏ hơn 18 tuổi do nguy cơ bị một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.

Để tránh đau đầu do lạm dụng thuốc (hay còn gọi là đau đầu "phản ứng"), không nên sử dụng thuốc giảm đau không cần kê toa hơn hai ngày trong một tuần mà không có chỉ định rõ ràng của bác sĩ. Bên cạnh đó, liều hàng ngày không nên vượt quá liều khuyến cáo của nhà sản xuất.

Các chương trình giúp đỡ để giảm bớt căng thẳng cũng có thể hữu ích cho trẻ em đau đầu căng cơ mạn tính. Có thể bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp thư giãn hoặc phản hồi sinh học. Phản hồi sinh học dạy trẻ tự kiểm soát chức năng cơ thể như nhịp tim, huyết áp, và căng cơ.

Nếu những cơn đau đầu không cải thiện với thuốc cấp cứu, trẻ nên được bác sĩ thăm khám (ví dụ, bác sĩ thần kinh). Bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc, chẳng hạn như một liều nhỏ thuốc chống trầm cảm ba vòng dùng hằng ngày, chẳng hạn như amitriptyline (Elavil). Liều thuốc chống trầm cảm ba vòng sử dụng để điều trị đau mạn tính thường thấp hơn nhiều so với sử dụng để điều trị trầm cảm. Người ta tin rằng thuốc chống trầm cảm ba vòng làm giảm nhận thức đau khi được sử dụng với liều lượng thấp, mặc dù cơ chế lợi ích của chúng là không rõ.

Điều trị đau nửa đầu migraine

Các biện pháp chung - Nhiều thứ kích hoạt đã được xác định đó có thể gây ra, thúc đẩy hoặc duy trì đau nửa đầu migraine. Các yếu tố cụ thể kích hoạt các đợt đau có thể khác nhau ở mỗi người và có thể không hằng định ở các đợt đau. Một phần danh sách xuất hiện trong bảng (Bảng 1). Trẻ em bị đau nửa đầu migraine thường xuyên hoặc nghiêm trọng nên ghi lại các cơn đau đầu của mình trong một cuốn nhật ký. Điều này có thể giúp xác định xem thứ kích hoạt cụ thể nào có thể tránh được để ngăn ngừa đau đầu xuất hiện trong tương lai.

BẢNG 1: CÁC KÍCH HOẠT ĐAU ĐẦU

Chế độ ăn

Những thay đổi của môi trường hoặc thói quen

Rượu

Sô cô la

Pho mát

Bột ngọt

Aspartame (NutraSweet)

Caffeine

Quả hạch

Nitrit, nitrat

Thời tiết

Đi du lịch (qua các múi giờ)

Các mùa

Độ cao

Nhưng thay đổi vê lịch trình

Kiểu ngủ

Ăn kiêng

Bỏ bữa

Hoạt động thể chất không thường xuyên

Hormone

Stress

Kinh nguyệt

Rụng trứng

Thay thế hormone (progesterone)

Giai đoạn trầm cảm

Những lần hoạt động dữ dội

Tổn thất hoặc thay đổi (chết, tách biệt, ly hôn, thay đổi công việc)

Di chuyển

Khủng hoảng

Kích thích cảm giác

 

Ánh sáng mạnh

Đèn nhấp nháy

Mùi

Âm thanh, tiếng ồn

 

Có hai loại phương pháp điều trị đau nửa đầu migraine: cấp tính và phòng ngừa. Các phương pháp điều trị cấp tính được dùng để điều trị các triệu chứng đau nửa đầu hiện có (ví dụ như đau, buồn nôn, vv), trong khi các phương pháp điều trị phòng ngừa được dùng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu tái lại.

Các phương pháp điều trị cấp tính - Thuốc đầu tiên thường được khuyến cáo để ngăn cơn đau nửa đầu migraine thuốc giảm đau cấp cứu không cần kê toa, chẳng hạn như acetaminophen (tên thương mại là Tylenol) hoặc ibuprofen (tên thương mại: Advil, Motrin). Cần uống càng sớm càng tốt, ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của chứng đau nửa đầu migraine. Các nghiên cứu đã cho thấy ibuprofen vượt trội hơn so với acetaminophen.

Nếu đau đầu không cải thiện hoặc nếu trẻ bắt đầu nôn mửa trước khi uống acetaminophen hoặc ibuprofen thì một loại thuốc gọi là triptan có thể được chỉ định. Một số triptan được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để sử dụng ở người lớn. Rizatriptan (tên thương mại: Maxalt) cũng được chấp nhận cho trẻ em lứa tuổi 6-17, trong khi almotriptan (tên thương mại: Axert) và thuốc xịt mũi zolmitriptan (tên thương mại: Zomig) được phê duyệt cho lứa tuổi từ 12 đến 17. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của triptan là một cảm giác thắt chặt ở hàm hoặc ngực và buồn ngủ nhẹ. Triptan có thể dùng chung với ibuprofen cho hiệu quả cộng lại. Cha mẹ nên thảo luận về những rủi ro có thể xảy ra và lợi ích của triptan với nhân viên y tế.

Các phương pháp điều trị phòng ngừa - Sự an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị phòng ngừa đau nửa đầu migraine còn hạn chế. Một số đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng, nhưng không thuốc nào cho thấy có lợi ích hơn so với giả dược (viên đường). Tuy nhiên, một số chuyên gia đã phát hiện ra các loại thuốc sau đây có thể hữu ích:

●Cyproheptadine (tên thương mại: Periactin) là một kháng histamin được sử dụng để phòng ngừa đau nửa đầu migraine. Nó có thể được khuyến cáo để phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở trẻ nhỏ. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ và tăng cảm giác ngon miệng.

●Propranolol (tên thương mại: Inderal) là một loại thuốc huyết áp được kê toa thường xuyên để phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở người lớn. Nó đôi khi được khuyến cáo để phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở trẻ em. Nhịp tim và huyết áp của trẻ nên được theo dõi trong khi điều trị, vì cả hai có thể bị hạ do thuốc. Propranolol không nên được sử dụng ở trẻ em bị hen suyễn hoặc bệnh đái tháo đường type 1 và có thể làm cho thanh thiếu niên cảm thấy buồn chán.

●Amitriptylin (tên thương mại: Elavil) là một thuốc chống trầm cảm ba vòng, khi được dùng ở liều thấp có thể giúp làm giảm tần số, mức độ nghiêm trọng và thời gian của đau nửa đầu migraine. Nó thường được chỉ định dùng sau bữa ăn tối để giảm bớt cơn buồn ngủ vào buổi sáng nhằm cho trẻ em có thể đi học được. Liều có thể tăng dần theo thời gian khi cần thiết.

●Thuốc chống động kinh như topiramate (tên thương mại: Topamax) và divalproate (tên thương mại: Depakote) thường được chỉ định để phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở người lớn. Topiramate được FDA chấp thuận cho phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở trẻ 12-17 tuổi. Các tác dụng phụ chủ yếu của topiramate là chậm nhận thức, tứ chi ngứa ran, sỏi thận và sụt cân. Các tác dụng phụ chủ yếu của divalproate là tăng cân, u nang buồng trứng, nổi ban và rối loạn chức năng tiểu cầu.

●Mặc dù các nghiên cứu khoa học vẫn chưa xác nhận tính hiệu quả của thảo dược hoặc vitamin bổ sung nhưng một số bệnh nhân cho thấy riboflavin hoặc coenzyme Q10 là hữu ích trong việc điều trị phòng ngừa đau nửa đầu migraine. Những tác nhân này thì thường không gây hại. Tuy nhiên, cha mẹ nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc này.

●Một nghiên cứu lớn về phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở trẻ em và thanh thiếu niên đã chứng minh amitriptyline, topiramate và giả dược tất cả đều có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đau nửa đầu migraine và không cái nào là vượt trội.

●Liệu pháp hành vi nhận thức đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đau nửa đầu migraine thường xuyên ở trẻ em và thanh thiếu niên. Thường là một khóa học bốn đến sáu tuần bao gồm phản hồi sinh học, tập huấn cách thư giãn có hỗ trợ, kiểm soát sự tuân thủ, giảm suy nghĩ tiêu cực và thúc đẩy các hoạt động sức khỏe tích cực.

●Các kháng thể peptide liên quan đến gen calcitonin đã được phê duyệt cho việc phòng ngừa đau nửa đầu migraine (cả mạn tính và không mạn tính) ở người lớn; các nghiên cứu ở trẻ em và thanh thiếu niên đang được tiến hành.

●Các thiết bị đang được nghiên cứu cho việc phòng ngừa đau nửa đầu migraine ở trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm kích thích thần kinh điện qua da (tên thương mại: Cefaly), kích thích thần kinh phế vị (tên thương mại: GammaCore), và kích thích qua từ tính (tên thương mại: eNeura)

Sự lựa chọn trong số những phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và đặc điểm của từng trẻ.

Điều trị đau nửa đầu migraine kinh nguyệt - Một số trẻ vị thành niên nữ giới bị đau nửa đầu migraine trong khoảng thời gian chu kỳ kinh nguyệt. Nếu đau nửa đầu xảy ra thường xuyên thì thường được điều trị bằng một điều trị cấp tính như mô tả ở trên

Nếu đau nửa đầu migraine kinh nguyệt xảy ra theo một lịch trình có thể dự đoán thì được điều trị phòng ngừa. Thường được điều trị bắt đầu từ vài ngày trước và tiếp tục trong một vài ngày sau chu kỳ kinh nguyệt. Các phương pháp điều trị phòng ngừa có thể bao gồm một loại thuốc kháng viêm không steroid (ví dụ, naproxen), thuốc viên ngừa thai hoặc một triptan.

Điều trị đau đầu cụm - Đau đầu cụm thường được bác sĩ điều trị (ví dụ, bác sĩ thần kinh học hoặc chuyên gia y học đau đầu). Việc điều trị đau đầu cụm ở trẻ em dựa trên các phương pháp điều trị đã thành công ở người lớn. Đau đầu cụm đang có ít nghiên cứu ở trẻ em vì chúng xảy ra rất hiếm.

Điều trị đau đầu mạn tính - Đau đầu mạn tính xảy ra ≥15 ngày mỗi tháng. Việc điều trị đau nửa đầu migraine hoặc đau đầu căng cơ mạn tính thường là đa mô thức bao gồm điều trị phòng ngừa, điều chỉnh lối sống lành mạnh và liệu pháp hành vi nhận thức.

Nhiều trẻ em bị đau đầu mạn tính lạm dụng thuốc, và việc lạm dụng này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra đau đầu mạn tính. Do đó, điều quan trọng là chấm dứt lạm dụng bất cứ loại thuốc giảm đau nào (ví dụ, acetaminophen [tên thương mại: Tylenol], ibuprofen [tên thương mại: Advil, Motrin]) hoặc thuốc theo toa (như nhóm triptan) càng nhanh càng tốt. Lạm dụng được định nghĩa là dùng hơn 15 ngày mỗi tháng đối với thuốc giảm đau không cần kê toa như acetaminophen, aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid (như ibuprofen) hoặc hơn 10 ngày mỗi tháng đối với thuốc theo toa hoặc kết hợp thuốc giảm đau (bao gồm cả các tác nhân như Excedrin, trong đó có chứa acetaminophen, aspirin và caffeine).

Kiểm soát đau đầu mạn tính đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp với bác sĩ và cần được cá nhân hóa theo nhu cầu của trẻ; cần được hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng các loại thuốc.

Thay đổi lối sống bao gồm uống đủ dịch, giảm hoặc loại bỏ caffeine, tập thể dục thường xuyên, ăn uống và ngủ trên một lịch trình đều đặn, cố gắng không hút thuốc.

Các liệu pháp phòng ngừa thường được chỉ định nếu những cơn đau đầu xảy ra nhiều hơn 1-2 lần mỗi tuần. Có thể bao gồm các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm - đặc biệt là thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (như topiramate [tên thương mại: Topamax] hoặc divalproate [tên thương mại: Depakote), thuốc huyết áp (ví dụ như chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi), hoặc thuốc kháng histamin. Một nghiên cứu đã chứng minh amitriptyline, topiramate, và giả dược đều có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu migraine ở trẻ em [1].

Một trong những phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho đau nửa đầu migraine mạn tính là liệu pháp nhận thức hành vi. Hầu hết trẻ em có thể học được điều này trong vòng 4-6 tuần và sẽ có một kết quả tích cực kéo dài [2].

Một số trẻ em bị đau đầu mạn tính phải bỏ học hoặc các hoạt động bình thường hàng ngày khác. Điều quan trọng là khuyến khích trẻ quay trở lại các hoạt động này là một phần của điều trị. Nếu cần thiết, trẻ có thể được phép nằm xuống trong phòng y tá của trường trong một thời gian ngắn (ví dụ, 15 phút mỗi ngày một lần) khi đau đau đầu nặng hơn.

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE