Chấn thương đầu kín xảy ra khi một người đập đầu vào bề mặt cứng hoặc khi một vật cứng va chạm vào và làm tổn thương đầu, nhưng không làm thủng xương sọ. Mặc dù vật cứng tác động không xuyên qua hộp sọ, đầu bạn vẫn có thể bị tổn thương.
Một chấn thương đầu kín có thể gây ra:
●Vỡ / nứt xương sọ hoặc xương vùng mặt (Xem hình 1)
● Chấn thương não hoặc phù não
●Chảy máu trong hoặc xung quanh não
Hình 1. Các xương sọ gồm hộp sọ (skullcap), xương mũi (nose bone), xương gò má (cheekbone), xương hàm trên (upper jawbone) và xương hàm dưới (lower jawbone).
Các nguyên nhân phổ biến nhất của chấn thương đầu kín là té ngã, chấn thương thể thao và tai nạn xe hơi / xe máy.
Một số loại chấn thương đầu kín thường nhẹ thường được gọi là "chấn động não". Chấn thương đầu kín cũng có thể nghiêm trọng và có thể dẫn tới tử vong.
Các triệu chứng của chấn thương đầu kín là gì?
- Các triệu chứng phụ thuộc vào loại chấn thương mà người đó bị và mức độ nghiêm trọng của nó. Những người bị chấn thương đầu kín nhẹ như chỉ có một vết sưng trên đầu có thể sẽ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Chấn thương đầu kín có thể gây ra các triệu chứng như:
●Đau đầu
● Buồn nôn hoặc nôn
●Sưng, chảy máu hoặc bầm tím da đầu
●Hoa mắt, chóng mặt
●Lú lẫn hoặc có vấn đề về trí nhớ
●Cảm giác mệt mỏi
●Thay đổi hành vi hoặc cảm xúc
●Nói chuyện hoặc đi lại bất thường
●Động kinh - Động kinh là khi xuất hiện một sóng điện bất thường trong não. Động kinh có thể khiến bạn ngất xỉu, chuyển động hoặc cư xử một cách kỳ lạ.
●Ngất xỉu
Chấn thương đầu kín có kèm theo vỡ hộp sọ hoặc vỡ xương mặt cũng có thể gây ra:
● Bầm tím quanh mắt hoặc sau tai
● Máu hoặc dịch trong suốt chảy ra từ mũi hoặc tai
Các triệu chứng có thể bắt đầu ngay sau khi bị chấn thương đầu kín hoặc vài giờ đến vài ngày sau đó. Các triệu chứng trên ở một số người sẽ biến mất trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở những người khác chúng lại lại gây các hậu quả dài lâu.
Các câu hỏi bác sĩ thường gặp
1. Tôi có cần làm xét nghiệm gì không?
Nó phụ thuộc vào loại chấn thương và các triệu chứng bạn có. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và làm thăm khám cẩn thận. Bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi để kiểm tra suy nghĩ của bạn.
Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể đã bị chấn thương nghiêm trọng, họ có thể yêu cầu xét nghiệm chụp hình ảnh não như CT hoặc MRI. Những xét nghiệm này tạo ra hình ảnh của hộp sọ và não của bạn.
2. Một chấn thương đầu kín được điều trị như thế nào?
Điều trị phụ thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của nó.
Thông thường, chấn thương đầu kín nhẹ không cần điều trị. Nhưng bác sĩ của bạn có thể đề nghị một người nào đó theo dõi sát bạn trong vòng 24 giờ sau khi chấn thương. Người này sẽ ghi nhận các triệu chứng mới xuấ hiện (trong các triệu chứng được liệt kê ở trên) và đảm bảo rằng bạn có thể thức dậy sau khi ngủ.
Chấn thương đầu kín nghiêm trọng cần được điều trị tại bệnh viện. Điều trị có thể bao gồm:
●Thuốc - Một số loại thuốc giúp ngăn ngừa phù não. Những thuốc khác giúp ngăn ngừa động kinh (co giật).
●Phẫu thuật — Nếu bạn bị chảy máu trong hoặc xung quanh não, hoặc nếu não của bạn phù lên, bạn có thể cần tới phẫu thuật để loại bỏ lượng máu đó.
3. Khi nào thì tôi nên gọi cho bác sĩ?
Sau khi bạn bị chấn thương đầu kín, hãy gọi bác sĩ nếu:
● Cơn đau đầu của bạn trở nên tồi tệ hơn
● Bạn bắt đầu nôn ói
● Bạn có thay đổi hành vi và suy nghĩ
● Bạn không thể đi bộ bình thường
● Bạnbị co giật (động kinh)
Thêm vào đó, người nhận nhiệm vụ theo dõi bạn nên gọi bác sĩ ngay 0767.115.115 nếu người đó không thể đánh thức bạn dậy.
4. Khi nào tôi có thể chơi thể thao hoặc hoạt động bình thường trở lại?
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn có ý định thể chơi thể thao hoặc làm các hoạt động thông thường trở lại. Nó sẽ phụ thuộc vào từng loại chấn thương và các triệu chứng của bạn.
5. Làm thế nào tôi có thể phòng ngừa chấn thương đầu kín?
Để phòng ngừa chấn thương đầu kín, bạn nên đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hoặc xe máy hoặc khi chơi thể thao ở nơi bạn dễ bị thương. Bạn cũng nên đeo dây an toàn mỗi khi lái xe.
Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin về chấn thương đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên tại đây: http://xecapcuu115.com/7-cau-hoi-thuong-gap-ve-chan-thuong-dau-o-tre-em-va-thanh-thieu-nien.html
Nội dung từ UpToDate chỉ mang tính chất tham khảo, không nhằm mục đích hay khuyến cáo thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ, chẩn đoán hay điều trị nào cả. Nếu bạn có bất kì câu hỏi hay tình trạng bệnh lý nào, hãy tìm tới bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia để được tư vấn cụ thể. Việc sử dụng nội dung từ UpToDate được nêu trong Điều khoản sử dụng của UpToDate (UpToDate Terms of Use).