TỔNG QUAN VỀ TIỂU PROTEIN
Chức năng của thận là đào thải chất độc, muối và nước dư thừa có trong máu. Các động mạch thận có chức năng cung cấp máu cho thận. Sau đó, lượng máu này chảy vào một bộ phận của thận gọi là nephrons. Nephron là đơn vị chức năng của thận, được cấu tạo từ cầu thận và ống thận. Mỗi quả thận chứa hàng tram ngàn nephron khác nhau.
Các cầu thận có chức năng lọc máu, loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể như ure, creatinine, các sản phẩm chuyển hóa gốc axít,… Đồng thời chúng cũng ngăn không cho một số chất bị lọc khỏi cơ thể như protein. Do đó, khi cầu thận bị tổn, protein sẽ tồn tại trong nước tiểu do theo dòng lọc chảy ra ngoài.
Thông thường, trong nước tiểu chứa ít hơn 150 miligam (khoảng 3 phần trăm muỗng cà phê) protein trong nước tiểu mỗi ngày. Nếu trong có hơn 150 miligam mỗi ngày thì có được gọi là hiện tượng tiểu protein.
TIỂU PROTEIN CÓ THỂ GÂY RA NHỮNG TRIỆU CHỨNG GÌ?
Nếu tiểu một lượng nhỏ protein có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể là nguyên nhân của các triệu chứng như; phù chân, phù tay, phù mặt hoặc bụng chướng nếu mất một lượng protein đủ nhiều qua nước tiểu.
CÁC LOẠI TIỂU PROTEIN
Tiểu protein được chia thành ba loại chính: thoáng qua (không liên tục), theo tư thế ( liên quan ngồi, đứng hoặc nằm) và tiểu protein thường xuyên.
Tiểu protein thoáng qua — Tiểu protein thoáng qua (không liên tục) là dạng tiểu protein phổ biến nhất. hiện nay. Chúng thường tự khỏi mà không cần điều trị. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này như: stress, sốt và tập thể dục với cường độ cao.
Tiểu protein liên quan tư thế — Protein niệu liên quan tư thế xảy ra khi một người xuất hiện protein trong nước tiểu trong khi ở tư thế thẳng đứng nhưng không xuất hiện khi ở tư thế nằm. Khoảng 2 đến 5 phần trăm thanh thiếu niên xảy ra hiện tượng này tuy nhiên sẽ đáng lo ngại nếu như xuất hiện ở những người trên 30 tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này hiện chưa được nghiên cứu rõ ràng. Dạng tiểu protein này không có hại, không cần điều trị và thường biến mất theo tuổi tác.
Protein niệu liên quan tư thế được chẩn đoán bằng cách lấy một bộ xét nghiệm nước tiểu. Việc này đòi hỏi phải thu thập hai mẫu nước tiểu:mẫu một trong khi bạn đang đứng hoặc ngồi dậy (thường là vào ban ngày) và một mẫu khác sau khi bạn đã ngủ được vài giờ (ví dụ, lấy nước tiểu đầu vào buổi sáng sau khi bạn thức dậy).
Tiểu protein thường xuyên (liên tục) — Trái ngược với protein niệu thoáng qua và liên quan tư thế, hiện tượng tiểu protein niệu kéo dài thường xảy ra ở những người mắc bệnh thận tiềm ẩn hoặc có các vấn đề về sức khỏe khác. Ví dụ như:
-
Mắc các bệnh liên quan đến chức năng thận
-
Mắc các bệnh lí ảnh hưởng chức năng thận như: tăng huyết áp, đái tháo đường
-
Mắc các bệnh lí làm cho cơ thể sản xuất ra quá nhiều protein
LÀM SAO ĐỂ BIẾT MỘT NGƯỜI CÓ TIỂU PROTEIN HAY KHÔNG?
Xét nghiệm nước tiểu — Tiểu protein được chẩn đoán bằng cách phân tích nước tiểu thông qua xét nghiệm bằng que nhúng có 10-11 thông số. Tuy nhiên, thử nghiệm nhúng có thể có sai số. Đồng thời, chúng ta nên xét nghiệm nước tiểu lặp đi lặp lại nhiều lần để xác định xem tiểu protein của bản thân chỉ thuộc loại thoáng qua hay là tiểu protein kéo dài.
Nước tiểu cũng sẽ được kiểm tra bằng kính hiển vi để xem liệu có tế bào, tinh thể, vi khuẩn trong đó hay không. Các yếu tố này trong nước tiểu có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho các loại vấn đề cụ thể về thận (ví dụ, các bệnh liên quan tổn thương cầu thận).
Nếu hai hoặc nhiều xét nghiệm cho thấy rằng có protein trong nước tiểu của bạn, bước tiếp theo là sẽ phải xác định lượng protein có trong nước tiểu là bao nhiêu. Có thể xác định bằng hai cách:
-
Lấy nước tiểu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và đem đi xét nghiệm (đây là phương pháp phổ biến và thuận tiện)
-
Lấy nước tiểu trong vòng 24 giờ sau đó mang đi xét nghiệm (phương pháp này chính xác hơn nhưng hơi bất tiện và mất thời gian)
Nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh thận trước đây hoặc nếu bạn đã từng được điều trị về vấn đề này thì các bác sĩ ưu tiên lấy nước tiểu hơn 24 giờ hơn nhằm xác định lượng protein trong nước tiểu với mục đích so sánh với các đợt điều trị hay chẩn đoán trước.
Nếu bác sĩ hoặc y tá yêu cầu bạn tự thu thập nước tiểu ở nhà, bạn nên đảm bảo quá trình lấy nước tiểu càng sạch sẽ càng tốt và sau khi lấy bạn hãy bảo quản lọ nước tiểu trong các môi trường có nhiệt độ thấp, ví dụ như trong tủ lạnh. Về cơ bản, nước tiểu là một dung dịch vô trung do đó việc để trong tủ lạnh sẽ không ảnh hưởng đến các thực phẩm khác có trong tủ lạnh.
Xét nghiệm máu — Bạn cũng có thể được yêu cầu lấy máu để xét nghiệm nhằm mục đích khảo sát chức năng hoạt động của thận thông qua một sô thông số sinh hóa có trong máu thường được gọi vắn tắt là xét nghiệm chức năng thận). Các xét nghiệm này bao gồm: đo nitơ urê máu (BUN) và creatinine và sau đó tính toán khả năng lọc của thận (độ lọc cầu thận) thông qua hai chỉ số này. Thông qua đó chúng ta có thể biết thận có đang hoạt động tốt hay không.
Sinh thiết thận — Trong nhiều trường hợp, sinh thiết thận là môt xét nghiệm cần thiết. Trong khi sinh thiết, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mảnh mô nhỏ của một quả thận và sau đó quan sát mô dưới kính hiển vi để xem tình trạng cấu trúc của thận hiện tại. Sinh thiết thận là một thủ tục được thực hiện mà có thể không cần nằm viện dài ngày sau đó với phương pháp gây tê tại chỗ. Hầu hết bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động thường xuyên vào ngày hôm sau, ngoại trừ việc nâng vật nặng và tập thể dục
ĐIỀU TRỊ VÀ TIẾN TRIỂN CỦA TÌNH TRẠNG TIỂU PROTEIN
Nếu chỉ tiểu protein thoáng qua hoặc liên quan tư thế thì không có hại cho sức khỏe và không cần điều trị.
Những bệnh nhân tiểu protein nhưng với hàm lượng thấp nhưng kéo dài thường không liên quan đến giảm chức năng thận hoặc bệnh toàn thân và thường không có biến chứng lâu dài, ngay cả khi không được điều trị. Nhiều bác sĩ thận học sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), để giảm hoặc loại bỏ protein niệu ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên, bệnh nhân có protein niệu thấp nên được kiểm tra lại protein trong nước tiểu định kì hàng năm để đảm bảo tình trạng này không bị tăng nặng thêm và chức năng thận vẫn trong ngưỡng cho phép.
Ở những bệnh nhân có tiểu protein niệu kéo dài thường do bị suy giảm chức năng thận và cần phải điều trị.
TÓM TẮT NỘI DUNG
-
Bình thường không tồn tại protein trong nước tiểu. Nếu một người được xét nghiệm và và tìm thấy protein trong nước tiểu thì gọi là có tình trạng tiểu protein.
-
Đa số những người tiểu protein không có triệu chứng trên lâm sàng.
-
Xét nghiệm bằng que nhúng là một trong những xét nghiệm đơn giản và phổ biến giúp phát hiện sự tồn tại của protein trong nước tiểu.
-
Tiểu protein được chia thành ba loại chính: thoáng qua (không liên tục), theo tư thế ( liên quan ngồi, đứng hoặc nằm) và tiểu protein thường xuyên.
-
Để xác định bệnh nhân tiểu protein thuộc loại nào phải cần dùng đến các xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu. Dựa vào kết quả của xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ đề nghị thêm các xét nghiệm khác để làm rõ nguyên nhân, ví dụ như xét nghiệm máu hay thậm chí là sinh thiết thận.
-
Tình trạng tiểu protein luôn cần phải được đánh giá đầy đủ bởi một bác sĩ lâm sàng chứ không đơn thuần chỉ là dựa vào các xét nghiệm.
-
Tình trạng tiểu protein thoáng qua hoặc liên quan tư thế không cần phải điều trị và cũng không gây ảnh hưởng sức khỏe về mặt lâu dài.
-
Một số bệnh nhận tiểu protein kéo dài cần phải được điều trị nếu có liên quan đến các vấn đề về thận.
NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Robinson RR. Isolated proteinuria in asymptomatic patients. Kidney Int 1980; 18:395.
-
Fuiano G, Mazza G, Comi N, et al. Current indications for renal biopsy: a questionnaire- based survey. Am J Kidney Dis 2000; 35:448.
-
Springberg PD, Garrett LE Jr, Thompson AL Jr, et al. Fixed and reproducible orthostatic proteinuria: results of a 20-year follow-up study. Ann Intern Med 1982; 97:516.
-
Rytand DA, Spreiter S. Prognosis in postural (orthostatic) proteinuria: forty to fifty-year follow-up of six patients after diagnosis by Thomas Addis. N Engl J Med 1981; 305:618.
-
Yamagata K, Yamagata Y, Kobayashi M, Koyama A. A long-term follow-up study of asymptomatic hematuria and/or proteinuria in adults. Clin Nephrol 1996; 45:281.
Cấu tạo của quả thận
Hình ảnh này mô tả cấu tạo của một quả thận bình thường. Phần vỏ bên ngoài gồm các cầu thận. Các ống thận nằm cả trong phần vỏ và phần tủy. Các ống góp tạo thành phần tủy hay còn gọi là nhú thận. Nước tiểu theo ống góp đến niệu quản sau đó vào bàng quang.
Cấu tạo nephron
Hình ảnh này mô tả cấu trúc của một nephron điển hình. Nephron chính là nơi lọc máu cho cơ thể giúp đào thải các chất thừa. Mỗi nephron gồm vùng vỏ và vùng tủy. Vùng vỏ chứa các cầu thận làm nhiệm vụ lọc các chất bã và giữ lại các chất cần thiết. Trong khi đó vùng tủy chứa các ống nhằm mục đích thu gom chất thải và tạo thành nước tiểu