CÁCH PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH VIÊM GAN B CÓ THỂ BẠN CHUA BIẾT.

CÁCH PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH VIÊM GAN B CÓ THỂ BẠN CHUA BIẾT.

13/02/2020

-

Le Thao

-

0 Bình luận

CÁCH PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH VIÊM GAN B CÓ THỂ BẠN CHUA BIẾT.

TỔNG QUAN

Thuật ngữ "viêm gan" được sử dụng để mô tả một dạng tổn thương gan phổ biến. Viêm gan B là một loại viêm gan đặc hiệu do virus gây ra.

Ước tính có hơn 250 triệu người mang virus viêm gan B trên thế giới, với hơn 500.000 người tử vong hàng năm do bệnh gan liên quan đến viêm gan B.

May mắn thay, nhiễm viêm gan B có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng. Vắc-xin viêm gan B an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan B và hiện được sử dụng thường xuyên cho trẻ sơ sinh và trẻ em ở Hoa Kỳ và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới trong đó bao gồm cả Việt Nam. Đối với những người bị viêm gan B mãn tính, thì đã có sẵn thuốc để điều trị

VIÊM GAN B LÂY TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO

Có nhiều cách để virus viêm gan B lây truyền từ người này sang người khác.

Dùng chung bơm kim tiêm — Sử dụng kim tiêm nhiễm bẩn có thể lây lan vi rút viêm gan B. Điều này  xảy ra khi dùng chung bơm kim tiêm . Bên cạnh đó, viêm gan B cũng có thể lây lan thông qua xăm mình, châm cứu hoặc xỏ khuyên trên cơ thể (nếu các thao tác này được thực hiện với các dụng cụ bị bẩn, không được  tiệt trùng đúng cách). Nếu bác sĩ thực hiển các thủ thuật cho bạn đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi thực hiện thì nguy cơ bị lây nhiễm được giảm thiểu đáng kể. 

Quan hệ tình dục — Quan hệ tình dục thường xuyên với người bị nhiễm bệnh là một trong những con đường lây truyền phổ biến. Do vậy nếu bạn bị nhiễm viêm gan B và có bạn tình thì nên đưa bạn của mình đi kiểm tra, trong trường hợp họ chưa bị nhiễm thì nên được đi tiêm vắc xin để phòng ngừa.

Lây từ mẹ sang con— Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang cho em bé trong quá trình chuyển dạ. Các chuyên gia cho rằng mẹ bị viêm gan B vẫn có thể cho con bú bình thường mà không sợ lây nhiễm. 

Để ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ đều phải xét nghiệm kiểm tra kháng thể và virus viêm gan B. Xét nghiệm này có tên là HBsAg, thường thì mọi người sẽ cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, nếu trường hợp bà mẹ có kết quả dương tính thì sẽ được giới thiệu qua bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Tiếp xúc gần gũi — Viêm gan B có thể lây lan qua tiếp xúc cá nhân gần gũi  nếu máu hoặc các chất dịch cơ thể khác tiếp xúc với các vết nứt trên da hoặc trong miệng hoặc mắt của bạn. Virus có thể sống cách xa cơ thể trong một thời gian dài, có nghĩa là dùng chung các vật dụng gia đình như đồ chơi, bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu cũng có nguy cơ lây nhiễm virus.

Truyền máu và ghép tạng — Ngày nay, rất hiếm khi viêm gan B lây lan qua đường truyền máu hoặc ghép tạng. Nguyên nhân là vì những người hiến máu và nội tạng đều được sàng lọc cẩn thân về virus viêm gan.

Trong môi trường bệnh viện — Trong bệnh viện, virus viêm gan B có thể lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác hoặc từ bệnh nhân sang bác sĩ, y tá nếu  vô tình tiếp xúc với một cây kim. Tuy nhiên rất hiếm khi bác sĩ / y tá truyền bệnh viêm gan B cho bệnh nhân vì họ dùng các phương pháp bảo vệ khác nhau. Trong đó,  đeo găng tay, bảo vệ mắt, đeo khẩu trang và rửa tay là những cách giúp ngăn ngừa virus lây lan thông dụng.

TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM GAN B

Các triệu chứng khi bị bệnh rất đa dạng. Sau khi một người bị nhiễm viêm gan B lần đầu tiên, họ có thể biểu hiện bệnh giống như cúm bao gồm sốt, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và một số trường hợp biểu hiện da vàng và mắt (vàng da). Trong những trường hợp nặng, có thể suy gan tiến triển, được đặc trưng bởi vàng da, phù (sưng ở chân hoặc bụng) và lú lẫn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không có bất kì triệu chứng nào, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Không có triệu chứng không có nghĩa là người đó không bị nhiễm bệnh hay nhiễm trùng đã được kiểm soát. Bởi vì hầu hết những người bị viêm gan B mãn tính không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh gan của họ ở giai đoạn muộn. Triệu chứng sớm và phổ biến nhất là cảm giác mệt mỏi. Tất cả những ai bị viêm gan B mãn tính đều có nguy cơ xảy ra các biến chứng như xơ gan và ung thư gan. 

Viêm gan B cấp tính — Khi một người lần đầu bị nhiễm viêm gan B, thì gọi là bị viêm gan cấp tính. Hầu hết những người bị viêm gan B cấp tính đều hồi phục. 

Tuy nhiên, khoảng 5% người trưởng thành, virus chống lại được hệ miễn dịch và tiếp tục sinh sôi trong cơ thể và tồn tại suốt nhiều năm sau đó. Những người tiếp tục mang virus được gọi là "người mang mầm bệnh". Nếu tổn thương gan phát triển trong thời gian dài tiếp theo, người đó được cho là bị viêm gan mạn tính.

Viêm gan B mãn tính — Viêm gan B mãn tính phát triển phổ biến hơn ở những người bị nhiễm virus khi còn nhỏ (thường là lúc sinh). Điều này phổ biến tại các khu vực như: Đông Nam Á, Trung Quốc và vùng châu Phi cận Sahara - nơi cứ 10 người thì 1người bị nhiễm viêm gan B mãn tính.

Nhiều người bị viêm gan B mãn tính mà không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào; một số khác có thể biểu hiện các triệu chứng như mệt mỏi và chán ăn.

CHẨN ĐOÁN VIÊM GAN B NHƯ THẾ NÀO?

Một số xét nghiệm được dùng để chấn đoán và theo dõi tiến triển bệnh viêm gan B. hầu hết trong đó là xét nghiệm máu, các xét nghiệm này dùng để phát hiện: 

  • Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (viết tắt là HBsAg) - HBsAg là một protein trên bề mặt của virus viêm gan B. Protein này xuất hiện trong máu từ 1 đến 10 tuần sau khi tiếp xúc với virus viêm gan B và trước khi một người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng. Ở những người hồi phục, protein này thường biến mất sau 4 đến 6 tháng. Sự hiện diện liên tục của nó cho thấy nhiễm trùng mãn tính đã phát triển. 

  • Kháng thể bề mặt viêm gan B (viết tắt là anti-HBs) - Anti-HBs giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công virus viêm gan B. Protein này thường có ở những người đã hồi phục hoặc đã được tiêm vắc-xin chống viêm gan B. Những người có protein này thường miễn dịch với viêm gan B. 

  • Kháng thể lõi viêm gan B (viết tắt là anti- HBc) - Anti-HBc thường xuất hiện trong suốt quá trình nhiễm trùng và lưu lại trong máu sau khi hồi phục. Nó không có ở những người đã được tiêm phòng viêm gan B. 

  • Kháng nguyên e của virus viêm gan B (viết tắt là HBeAg) - HBeAg là một protein có sự hiện diện cho thấy virus viêm gan B đang tiếp tục tạo ra các bản sao của chính nó (sao chép). Sự hiện diện của nó thường cho thấy mức độ lưu hành của virus trong máy đang cao và khả năng lây nhiễm cao trong thời kì này. 

  • Kháng thể e trong viêm gan B (viết tắt là anti-HBe) - Anti-HBe thường biểu thị rằng sự nhân lên của virus đã bị kìm hãm, nhưng trong một số biến thể của viêm gan B, virus vẫn có thể tiếp tục nhân lên với tốc độ nhanh.

  • DNA của virus viêm gan B (viết tắt là HBV DNA) - HBV DNA là vật liệu di truyền được tìm thấy trong virus viêm gan B. HBV DNA thường biến mất khỏi máu sau khi một người hồi phục. HBV DNA (tải lượng virus) là thước đo nồng độ của virus trong máu lưu hành. Các bác sĩ sử dụng mức độ HBV DNA để quyết định việc bệnh nhân có phải điều trị bằng thuốc kháng virus hay không đồng thời dùng  để theo dõi hiệu quả quá trình điều trị tốt 

  • Các xét nghiệm khác - Có nhiều xét nghiệm khác có thể phản ánh tình trạng hoạt động của gan hiện tại , nhưng không đặc hiệu cho viêm gan B. Chúng bao gồm các xét nghiệm men gan (alanine aminotransferase [ALT] và aspartate aminotransferase [AST]), bilirubin, kiềm phosphatase, albumin, thời gian prothrombin và số lượng tiểu cầu. Ví dụ, ALT cao bất thường trong máu có thể nguyên nhân là do tổn thương gan. Nguyên nhân tổn thương gan có thể do virus (như vi-rút viêm gan B), nhưng cũng có thể do rượu, thuốc, mỡ tích tụ trong gan ("gan nhiễm mỡ") hoặc các bệnh khác. 

Sinh thiết gan (trong đó một cây kim được đưa vào gan để lấy một mảnh mô nhỏ dùng làm xét nghiệm) là một xét nghiệm không thường xuyên được sử dụng để chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B. Sinh thiết gan thường được sử dụng để theo dõi tổn thương gan ở những người bị viêm gan mạn tính, giúp bác sĩ quyết định xem có cần điều trị hay không và tìm ra dấu hiệu của bệnh xơ gan hoặc ung thư gan

Mức độ nghiêm trọng của bệnh gan hoặc mức độ tổn thương gan cũng có thể được xác định bằng các phương pháp khác, mà không cần phải sinh thiết gan. Ví dụ như xét nghiệm máu hoặc siêu âm để đánh giá mức độ xơ gan. Nhìn chung, các xét nghiệm này có thể cho biết xơ hóa tế bào gan sớm hoặc  tình trạng xơ gan Tuy nhiên, các xét nghiệm này không giúp ích trong chẩn đoán các giai đoạn cụ thể của xơ hóa hoặc xác định mức độ viêm. 

DIỄN BIẾN CỦA VIÊM GAN B

Tiến triển của viêm gan B mạn phần lớn phụ thuộc vào tuổi của bạn tại thời điểm bị nhiễm bệnh. Khoảng 90 phần trăm trẻ em bị nhiễm bệnh khi sinh sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính, 20%-50% trẻ em bị nhiễm bệnh trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi và dưới 5 phần trăm số người bị nhiễm viêm gan B khi trưởng thành mới phát triển thành viêm gan mạn nếu bị nhiễm trong các độ tuổi trên. 

CÁC YẾU TỐ LÀM TĂNG NGUY CƠ XƠ GAN VÀ UNG THƯ GAN

Nguy cơ phát triển các biến chứng (như xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan) phụ thuộc vào tốc độ nhân lên của virus và mức ddoooj kiểm soát nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch .

Đối với bệnh nhân viêm gan B mãn tính, nguy cơ biến chứng này: 

● Nam cao hơn nữ, tăng theo độ tuổi

● Tăng khi uống rượu, đồng mắc thêm viêm gan C hoặc D mạn tính (một loại virus phụ thuộc vào viêm gan B) hoặc bị nhiễm HIV (loại virus gây ra bệnh AIDS).

Ngoài ra, thừa cân hoặc mắc bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ (tích tụ mỡ trong gan), có thể dẫn đến làm tăng tốc độ tiến triển bệnh gan ở những người bị viêm gan B.

ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN B NHƯ THẾ NÀO?

Có phải tất cả những ai bị nhiễm đều cần điều trị? — Điều trị cụ thể cho viêm gan B cấp tính thường không cần thiết vì trong khoảng 95% người trưởng thành, hệ thống miễn dịch có đủ khả năng kiểm soát nhiễm trùng và loại bỏ vi-rút trong vòng khoảng sáu tháng.

Ở những người bị viêm gan mạn tính, một loại thuốc kháng virus có thể được khuyến nghị để giảm hoặc đảo ngược tình trạng tổn thương gan và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của viêm gan B. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị viêm gan B đều cần điều trị ngay lập tức. Nếu bạn không cần phải bắt đầu điều trị ngay lập tức, bạn sẽ được bác sĩ theo dõi để biết thời điểm virus hoạt động mạnh hơn (tại thời điểm đó bạn có thể bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus).

Khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ được xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị đồng thời phát hiện tác dụng phụ hay kháng thuốc. Việc theo dõi này sẽ được tiếp tục ngay cả khi kết thúc điều trị nhằm mục đích xác định xem bạn có bị tái nhiễm không. Một điều lưu ý là bạn không nên tự ý ngưng điều trị mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ vì trong một số trường hợp, virus có thể quay trở lại và nhanh chóng nhân lên, gây tổn thương gan nghiêm trọng. 

Thuốc  kháng virus— Có hai loại thuốc chống vi-rút có thể được sử dụng, đó là thuốc tương tự nucleostide (đây là những loại thuốc uống hàng ngày) và interferon (một loại thuốc tiêm). Hầu hết bệnh nhân nhận được một loại thuốc uống; tuy nhiên, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn trước khi đưa ra hướng điều trị cụ thể.

Thuốc kháng virus tương tự nucleotide— Đây là dạng thuốc uống có thể được sử dụng để điều trị viêm gan B. Hầu hết bệnh nhân sẽ cần điều trị trong khoảng thời gian lâu dài nhằm mục đích duy trì kiểm soát tải lượng virus. Đối với một số bệnh nhân, cần phải điều trị suốt đời. Entecavir và tenofovir là những thuốc uống được sử dụng phổ biến nhất. Những loại thuốc chống virus này mạnh hơn và ít có khả năng làm cho virus phát triển  khả năng kháng thuốc hơn các loại khác, , chẳng hạn như lamivudine, adefovir và telbivudine

Entecavir — Entecavir (tên thương hiệu: Baraclude) là một phương pháp điều trị được khuyên dùng cho những bệnh nhân chưa được điều trị bằng thuốc kháng virus  trước đây. Mặc dù hiện tượng kháng với entecavir là không phổ biến ở những người chưa điều trị bằng thuốc kháng virus trước đây, tuy nhiên kháng thuốc có thể xảy ra ở 50% những người đã sử dụng lamivudine để điều trị viêm gan B.

Tenofovir — Tenofovir là một phương pháp điều trị được khuyên dùng cho cả bệnh nhân đã và những người chưa bao giờ được điều trị bằng thuốc kháng virus cho bệnh viêm gan B. Tenofovir gồm hai loại: tenofovir disoproxil fumarate (tên thương hiệu: Viread) và tenofovir Vemlidy). Đối với hầu hết bệnh nhân, tenofovir alafenamide được ưa chuộng hơn.

Tenofovir có hiệu quả trong việc ức chế virus viêm gan B  và ít bị kháng thuốc hơn so với các loại khác như lamivudine, telbivudine hoặc entecavir. Nó cũng có hiệu quả khi được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân có dạng virus kháng adefovir. Tuy nhiên, sự suy giảm nồng độ virus viêm gan B có thể chậm hơn khi xuất hiện đột biến kháng adefovir . Hiện tượng kháng thuốc xảy ra trên tenofovir hiện chưa được ghi nhận. hiện tượng đề kháng với tenofovir chưa được báo cáo.

Interferon-alfa — Interferon-alfa là một phương pháp điều trị thích hợp cho những người bị nhiễm viêm gan B mãn tính có virus đang thời kì hoạt động và không bị xơ gan. Cả interferon thông thường và interferon pegylated đều được phê duyệt tại Hoa Kỳ. 

Interferon-alfa có thể được xem xét dùng  ở những bệnh nhân trẻ tuổi không mắc bệnh gan tiến triển và không muốn điều trị lâu dài. Interferon-alfa không thích hợp cho những người bị xơ gan , suy gan hoặc cho những người bị viêm gan tái phát sau ghép gan.

Interferon được dùng trong một thời gian nhất định.. Pegylated interferon, một interferon tác dụng dài được dùng mỗi tuần một lần, dùng không quá một năm. Điều này trái ngược với các phương pháp điều trị viêm gan khác, được uống trong nhiều năm cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Chưa ghi nhận tình trạng kháng thuốc với interferon.

Nhược điểm của interferon-alfa là sử dụng thông qua đường tiêm và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Ghép gan — Ghép gan có thể là lựa chọn duy nhất cho những bệnh nhân đã xơ gan tiến triển. Quá trình ghép gan được xây dựng công phu, bao gồm một quy trình sàng lọc rộng rãi để đảm bảo rằng tìm được một người ghép phù hợp. Do đó, không phải tất cả bệnh nhân bị xơ gan đều đủ điều kiện ghép gan, và chỉ những bệnh nhân bị xơ gan nặng hoặc ung thư gan giai đoạn đầu đồng thời đảm bảo các điều kiện y tế và xã hội nhất định mới được đưa vào danh sách chờ ghép. Và số lượng người hiến gan cũng rất hạn chế nên không phải tất cả bệnh nhân trong danh sách chờ đều sẽ được ghép gan.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT LÁ GAN KHỎE MẠNH

Như đã thảo luận ở trên, phần lớn người trưởng thành đều có khả năng chống lại virus khi bị nhiễm viêm gan B ở giai đoạn cấp. Những người phát triển thành viêm gan mạn nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị phù hợp. 

Tiêm phòng vắc xin — Tất cả những người bị viêm gan B mãn tính đều nên được chủng ngừa viêm gan A trừ khi họ đã có miễn dịch. Đồng thời nên tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, thường là vào mùa thu. Bệnh nhân mắc bệnh gan cũng nên được chủng ngừa tiêu chuẩn, bao gồm cả bệnh bạch hầu và uốn ván 10 năm một lần.

Tầm soát ung thư gan — Nên thường xuyên kiểm tra ung thư gan, đặc biệt đối với người già, người bị xơ gan và bệnh nhân có tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư gan bằng cách siêu âm gan mỗi 6 tháng.

Chế độ ăn uống — Không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là cải thiện tình trạng viêm gan B. Do vậy, lời khuyên tốt nhất là duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, đồng thời duy trì cân nặng mở mức cân đối.

Đồ uống có cồn — Nên tránh các đồ uống có cồn vì chúng có thể làm tổn thương gan. Những người bị viêm gan B có thể tăng nguy cơ các biến chứng về gan ngay cả khi dùng với một lượng nhỏ các loại đồ uống này.

Hút thuốc lá — Hút thuốc có hại cho sức khỏe của bạn. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư gan ở những người bị viêm gan B.

Luyện tập thể thao — Tập thể dục tốt cho sức khỏe nhưng nó không có hiệu quả đối với virus viêm gan B. Tập thể dục cũng không có hại cho gan, ngay cả ở những người bị viêm gan mạn tính hoặc xơ gan.

Thuốc kê toa và không kê toa — Nhiều loại thuốc được chuyển hóa tại gan. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kì loại thuốc nào. Nguyên tắc chunghầu hết các loại thuốc đều an toàn cho người bị viêm gan B, trừ khi gan đã bị xơ hóa.

Thảo dược — Không có phương pháp điều trị bằng thảo dược nào được chứng minh là cải thiện kết quả ở bệnh nhân viêm gan B thậm chí một số còn có thể gây ngộ độc gan nghiêm trọng. Điều trị bằng thảo dược không được khuyến cáo cho bất cứ bệnh nhân bị viêm gan B nào.

PHÒNG BỆNH

Giảm nguy cơ lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi — Viêm gan B cấp tính và mãn tính là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, những người bị viêm gan B nên thảo luận về các biện pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm thông qua các tiếp xúc gần gũi. Bao gồm:

  • Thảo luận về nguy cơ lây nhiễm với bất kỳ bạn tình nào và sử dụng bao cao su với mọi lần quan hệ tình dục bạn tình đã có miễn dịch với virus viêm gan B.

  • Không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc bất kì dụng cụ nào có khả năng dính máu. 

  • Che chắn các vết thương hở bằng băng gạc cẩn thận

  • Không hiến máu, hiến tạng, các mô cơ thể, kể cả tinh trùng. 

  • Các thành viên trong gia đình và bạn tình của người nhiễm bệnh nên được thông báo và tiêm phòng đầy đủ. 

  • Không dùng chung bất kì dụng cụ tiêm chích nào.

Viêm gan B không thể lây qua các con đường sau: 

  • Ôm hoặc hôn

  • Dùng chung dụng cụ ăn uống

  • Hắt hơi hoặc ho

  • Cho con bú

Ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con — Nếu người mẹ xét nghiệm dương tính với kháng nguyên bề mặt viêm gan B, một số bước nhất định có thể được thực hiện để giảm nguy cơ truyền virut cho trẻ. Bao gồm: 

  • Sử dụng thuốc kháng virus cho người mẹ nếu lượng virus trong máu (tải lượng virus) cao. Những loại thuốc này được sử dụng để giảm tải lượng virus. 

  • Tiêm ngay một liều immunoglobulin (HBIG) cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh. HBIG cung cấp bảo vệ ngay lập tức cho trẻ sơ sinh, nhưng hiệu quả chỉ kéo dài một vài tháng. 

  • Trẻ sơ sinh nên được tiêm vắc-xin viêm gan B đầu tiên ngay sau sinh. Hai liều còn lại có thể được dùng cùng với tiêm chủng mở rộng cho trẻ em vào khoảng 1 và 6 tháng tuổi. Tiêm đủ cả ba liều rất quan trọng để bảo vệ lâu dài.

Những trẻ này nên được xét nghiệm máu tìm kháng nguyên bề mặt viêm gan B và tìm kháng thể bề mặt viêm gan B lúc 9 đến 12 tháng tuổi, hoặc một đến hai tháng sau liều vắc-xin viêm gan B cuối cùng nếu việc chủng ngừa không tuân thủ đúng lịch. Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy trẻ sơ sinh vẫn dễ bị nhiễm trùng, cần tiêm phòng bổ sung.

NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Lok AS, McMahon BJ. Chronic hepatitis B: update 2009. Hepatology 2009; 50:661.

  2. Sorrell MF, Belongia EA, Costa J, et al. National Institutes of Health Consensus Development Conference Statement: management of hepatitis B. Ann Intern Med 2009; 150:104.

  3. Liaw YF, Leung N, Guan R, et al. Asian-Pacific consensus statement on the management of  chronic hepatitis B: a 2005 update. Liver Int 2005; 25:472.

  4. European Association For The Study Of The Liver. EASL clinical practice guidelines: Management of chronic hepatitis B virus infection. J Hepatol 2012; 57:167.

  5. Sarin SK, Kumar M, Lau GK, et al. Asian-Pacific clinical practice guidelines on the management of hepatitis B: a 2015 update. Hepatol Int 2016; 10:1.

  6. Terrault NA, Bzowej NH, Chang KM, et al. AASLD guidelines for treatment of chronic hepatitis B. Hepatology 2016; 63:261.

TAGS: hdcare, VIÊM GAN B

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0767115115
Zalo
Hotline
CÔNG TY CỔ PHẦN HD CARE