Bỏng do điện là gì?
Bỏng do điện xảy ra khi chúng ta bị điện giật.
Khi dòng điện chạy qua cơ thể, dòng điện có thể phá hủy các mô và cơ quan, mức độ tổn thương có thể nhẹ, nặng hoặc thậm chí gây tử vong. Các cơ quan thường bị tổn thương là:
-
Tim – Nạn nhân có thể bị rối loạn nhịp, có thể làm cho tim ngừng đập, được gọi là “ngưng tim”
-
Thận – Thận có thể không còn hoạt động bình thường.
-
Xương và cơ - Nếu cơ bị tổn thương nghiêm trọng, những chất hóa học sinh ra trong quá trình hoại tử cơ sẽ vào máu, đó được gọi là hiện tượng “ly giải cơ vân”, Trong vài trường hợp, hiện tượng này có thể gây tổn thương những cơ quan khác. Nạn nhân có thể gặp phải tình trạng gia tăng áp lực trong các khoang cơ được gọi là “hội chứng chèn ép khoang cấp tính”.
-
Hệ thần kinh - Nạn nhân có thể bất tỉnh, yếu cơ, tổn thương mắt hay tai.
Triệu chứng của bỏng điện?
Các triệu chứng phụ thuộc vào lượng điện tiếp xúc và thời gian tiếp xúc với cơ thể
Điện có thể gây ra các loại bỏng da khác nhau, tùy thuộc vào mức độ sâu của da bị ảnh hưởng. Các thuật ngữ bác sĩ sử dụng để mô tả các loại bỏng khác nhau là:
● Bề mặt - Một vết bỏng bề mặt chỉ ảnh hưởng đến lớp thượng bì của da. Vết bỏng đỏ, khô và đau. Khi bạn nhấn vào vết bỏng, nó sẽ chuyển sang màu trắng.
● Bỏng nông một phần - Bỏng nông một phần ảnh hưởng đến 2 lớp trên cùng của da là thượng bì và lớp bì. Vết bỏng có màu đỏ và có thể rò rỉ dịch hoặc hình thành mụn nước.
● Bỏng toàn phần - Một vết bỏng toàn phần là hiện tượng tổn thương tất cả lớp da. Vết bỏng thường không đau, vì da bị bỏng đã bị tổn thương thần kinh nên không còn cảm thấy gì nữa. Vết bỏng có thể có màu trắng, xám hoặc đen.
Các triệu chứng khác phụ thuộc vào các cơ quan nội tạng có bị tổn thương hay không.
Có cần phải đi khám bác sĩ?
Nếu bạn bị bỏng điện, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bởi vì bỏng điện đôi khi gây tổn thương da nhẹ, nhưng trong vài trường hợp vẫn có thể bị tổn thương nội tạng và mô nghiêm trọng.
Tôi có cần làm thêm xét nghiệm nào không?
Có lẽ. Bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ hỏi về chấn thương của bạn và làm một vài cận lâm sàng, và những xét nghiệm này sẽ đánh giá các tổn thương nội tạng có thể xảy ra khi bạn bị điện giật. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
● Xét nghiệm máu
● Xét nghiệm nước tiểu
● Điện tâm đồ (còn gọi là "ECG") – để đo hoạt động điện trong tim bạn.
Điều trị bỏng điện như thế nào?
Điều trị tùy thuộc vào mức độ bỏng da mà nạn nhân gặp phải: Phương pháp điều trị bỏng da nhẹ (bao gồm bỏng bề mặt và bỏng nông một phần) có thể bao gồm:
● Làm mát vết bỏng - Bạn có thể đặt một miếng vải mát lên vết bỏng hoặc ngâm vết bỏng trong nước mát. Nên nhớ không được chườm đá vào vết bỏng.
● Băng vết bỏng bằng miếng băng sạch - Bác sĩ cũng có thể đề nghị hoặc kê toa một loại kem hoặc thuốc mỡ để làm dịu da hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.
● Giảm đau - Để giảm đau, bạn có thể nâng phần bị bỏng cao hơn tim. Ví dụ, bạn có thể kê cao chân hoặc gác chân lên đầu gối.
● Tiêm phòng uốn ván, nếu bạn chưa từng tiêm phòng uống ván hay mũi uốn ván trước đã được tiêm từ rất lâu thì bạn nên tiêm một mũi uốn ván nhắc lại
Trong trường hợp bỏng nặng thì bạn nên được điều trị trong bệnh viện. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:
● Thuốc giảm đau mạnh hơn
● Băng đặc biệt
● Kháng sinh và các loại kem hoặc thuốc mỡ khác
● Phẫu thuật sửa chữa vùng bị bỏng
Đồng thời, nếu có tổn thương nội tạng thì nhập viện để điều trị là vô cùng cần thiết vì nó có thể gây nên tàn tật hay tử vong.
Phòng ngừa bỏng điện?
Để giúp bảo vệ bạn hoặc thành viên gia đình khỏi bị bỏng điện, bạn có thể:
● Đặt nắp an toàn cho tất cả các ổ cắm điện.
● Để dây điện xa tầm tay trẻ em.
● Thực hiện theo các hướng dẫn khi sử dụng các thiết bị điện.
● Tránh sử dụng các thiết bị điện trong phòng tắm hoặc bồn tắm.
● Tắt cầu dao khi bạn sửa chữa điện.
Bài viết tham khảo
Patient education: Skin burns (The Basics)
Patient education: Sudden cardiac arrest (The Basics) Patient education: CPR for adults (The Basics)
Patient education: CPR for children (The Basics) Patient education: Acute kidney injury (The Basics) Patient education: Rhabdomyolysis (The Basics)
Patient education: Acute compartment syndrome (The Basics)
Patient education: Skin burns (Beyond the Basics)
Đo ECG
Hình vẽ này cho thấy một người đàn ông đang được đo ECG (còn được gọi là điện tâm đồ hoặc EKG). Bệnh nhân được dán điện cực trên ngực, cánh tay và chân. Dây điện chạy từ các điện cực đến máy ECG. ECG được dùng để đo hoạt động điện của tim.