Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào từ thời thơ ấu đến tuổi già và gây ra tổn hại to lớn cho xã hội vì rối loạn này có thể gây ra nỗi đau khổ nghiêm trọng, phá hoại cuộc sống bình thường và nếu không điều trị có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng bệnh lý được thể hiện qua 3 triệu chứng chủ yếu là khí sắc trầm, mất hứng thú và giảm năng lượng hay mệt mỏi. Các triệu chứng khác cũng thường xuất hiện là rối loạn tâm thần vận động và giấc ngủ, cảm giác có tội, giảm lòng tự tin, ý tưởng và hành vi tự tử, rối loạn hệ tiêu hoá và hệ thần kinh tự động. Trầm cảm không phải là một rối loạn có tính đồng nhất mà là một hiện tượng phức tạp thể hiện dưới nhiều dạng lâm sàng và có thể có nhiều nguyên nhân. Rối loạn này có khuynh hướng tiến triển mãn tính, tái diễn theo chu kỳ, triệu chứng thể hiện có thể đi từ mức độ nhẹ đến nặng.
1. Làm sao để biết bản thân đang bị trầm cảm?
Trầm cảm đặc trưng bởi cảm giác suy sụp phần lớn thời gian trong ngày trong ít nhất 2 tuần. Trong đó phải có ít nhất một trong hai triệu chứng sau:
- Khí sắc giảm: thể hiện bởi cảm giác buồn, thất vọng hoặc cáu kỉnh hầu hết thời gian trong ngày, diễn ra hằng ngày.
- Mất hầu hết hứng thú, quan tâm với các công việc vẫn thường làm hằng ngày.
Trầm cảm có thể gây ra:
- Giảm hoặc tăng cân
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc không có năng lượng
- Cảm thấy tội lỗi vô dụng
- Khó suy nghĩ, khó tập trung hoặc ra quyết định
- Nói và hoạt động chậm chạp hơn bình thường
- Rối loạn vận động: luôn đi lại không thể ngồi yên
- Luôn nghĩ đến cái chết hoặc có ý nghĩ tự sát
Nếu bạn nghĩ mình đang bị trầm cảm thì nên đến khám bác sĩ. Chỉ những bác sĩ chuyên khoa tâm thần mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
2. Cần phải đến khám bác sĩ kịp nếu có hành vi tự làm tổn hại cơ thể hoặc có hành vi tự sát.
Nếu thấy bản thân có xu hướng, ý muốn tự sát hoặc có các hành vi làm tổn hại đến bản thân như: cắt tay, hành hạ bản thân bằng các vật sắc nhọn, bạn nên:
- Gọi cho bác sĩ hoặc y tá để thông báo tình trạng khẩn cấp
- Gọi ngay cho xe cứu thương (SĐT: 115)
- Đến phòng cấp cứu tại bệnh viện gần nhất
3. Phương pháp điều trị trầm cảm
Bệnh nhân trầm cảm có thể được điều trị bằng một trong các cách sau hoặc phối hợp nhiều phương pháp:
- Thuốc chống trầm cảm
- Tâm lý trị liệu: chia sẻ, đồng cảm, gần gũi với người bệnh,..
- Liệu pháp xung điện ETC
Những người trầm cảm nhẹ có thể cải thiện bệnh chỉ với việc dùng thuốc hoặc nói chuyện với nhà trị liệu tâm lý. Các trường hợp nặng hơn có thể phải phối hợp cả hai mới có hiệu quả. Một phương pháp điều trị khác là: liệu pháp xung điện (ETC) dành cho các bệnh nhân kháng trị - tức không đáp ứng với thuốc hay tâm lí trị liệu. Trong khi bệnh nhân ngủ, một liều điện từ đã được tính toán kỹ lưỡng sẽ đi qua não của người bệnh. ETC dường như gây ra những thay đổi các chất hóa học trong não và có thể nhanh chóng đảo ngược các triệu chứng của trầm cảm nặng.
ECT thường được áp dụng ba lần một tuần. Bệnh nhân có thể yêu cầu tối thiểu ba hoặc bốn buổi trị liệu hoặc tối đa 12 đến 15. Phương pháp ECT hiện đại không gây đau như phương pháp trong những thập kỷ trước khi mới hình thành phương pháp ECT.
Mất trí nhớ là tác dụng phụ tiêu cực chính của ECT. Vấn đề liên quan đến trí nhớ thường phục hồi trong vài tháng sau lần điều trị cuối cùng.
4. Diễn tiến bệnh sau điều trị
Tất cả các phương pháp điều trị đều cần một khoảng thời gian để phát huy tác dụng:
- Đối với dùng thuốc: các triệu chứng thường cải thiện sau 2 tuần, một số trường hợp mất đến 4-8 tuần.
- Đối với trị liệu tâm lý: Thường cần nhiều thời gian hơn, khoảng 8-10 tuần để đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu phương pháp điều trị đầu tiên không mang lại kết quả như mong muốn, hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị. Đôi khi cần phải thay đổi phương pháp hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau mới mang lại hiệu quả. Bác sĩ không chỉ giúp người bệnh tìm ra phương pháp điều trị phù hợp mà còn hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian chờ trước khi tìm được phương án phù hợp.
5. Làn sao để chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp?
Bệnh nhân và bác sĩ cần trao đổi với nhau để đưa ra lựa chọn điều trị cuối cùng. Thuốc tác dụng nhanh hơn trị liệu tâm lý nhưng lại có tác dụng phụ. DO vậy nhiều bệnh nhân không thích sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nhiều người bệnh không thích trị liệu tâm lí do ngại tiếp xúc với người lạ. Do vậy, việc điều trị cần dung hoà nhiều yếu tố và cân nhắc lợi ích nguy cơ.
6. Trầm cảm người lớn có giống trầm cảm thiếu niên không?
Không. Các triệu chứng trầm cảm ở thiếu niên có đôi chút khác biệt. Ở thiếu niên, thường mất nhiều thời gian để buồn và chán nản hơn. Do đó, có biểu hiện ít nói và cáu kỉnh nhiều hơn. Ngoài ra, khi điều trị, bác sĩ có xu hướng chọn tâm lý trị liệu trước rồi mới dùng thuốc.
7. Thuốc chống trầm cảm có an toàn cho phụ nữ mang thai không?
Một số thuốc chống trầm cảm là nguyên nhân gây ra các vấn đề cho thai kì. Tuy nhiên nếu không được điều trị, trầm cảm trong khi mang thai cũng gây ra các vấn đề cho thai phụ. Do vậy, nếu có ý định mang thai, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị.
Sau khi sinh, bệnh nhân nên tiếp tục trao đổi với bác sĩ vì một số thuốc có ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú. Ngoài ra, trầm cảm có thể nặng lên sau sinh và bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.