KHÁI QUÁT VỀ ĐAU CÁCH HỒI
Đau cách hồi là cảm giác đau mỏi sâu trong cơ thường xuất hiện ở các vị trí bắp chân, đùi hoặc mông) khi người bệnh hoạt động và giảm khi bệnh nhân dừng nghỉ ngơi. Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên chi dưới (PAD) xảy ra khi có sự tắc nghẽn dòng chảy của máu trong động mạch.
Trong các nguyên nhân gây đau cách hồi thì PAD là nguyên nhân phổ biến nhất. PAD được gây ra bởi sự lắng đọng của các mảng mỡ (xơ vữa động mạch) trong thành mạch. Những mảng bám này phát triển theo thời gian dẫn đến thu hẹp hoặc chặn hoàn toàn lưu lượng máu trong động mạch chân và lưu lượng máu đến cơ và da (hình 1).
Một nguyên nhân quan trọng nhưng ít phổ biến hơn của đau cách hồi là do biến chứng phình động mạch ở bụng hoặc chân. Phình động mạch là hiện tượng một động mạch phồng lên bất thường, trong đó thường chứa đầy mảnh vụn hoặc cục máu đông. Những cục máu đông hoặc có thể vỡ ra và làm tắc nghẽn các động mạch ở chân mà biểu hiện đầu tiên đôi khi chỉ là triệu chứng đau cách hồi
Ở những người trẻ tuổi hơn, đau cách hồi có thể do phình động mạch khoeo, nguyên nhân là do một dải cơ hoặc nang chèn ép động mạch khoeo (một động mạch nằm sau đầu gối).
Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây đau cách hồi như: chèn ép dây thần kinh cột sống hoặc viêm các hoạt dịch xung quanh cơ hông.
YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN
Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh động mạch ngoại biên (PAD) bao gồm:
● Hút thuốc lá
● Bệnh đái tháo đường
● Tăng lipid máu
● Tăng huyết áp
● Không hoạt động thể chất
Trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây nên PAD.
BIỂU HIỆN CỦA ĐAU CÁCH HỒI
Mức độ đau và khả năng thích nghi, chịu đựng thay đổi tùy theo từng người. Cơn đau được mô tả giống như một cơn chuột rút bắp chân, đùi hoặc mông xảy ra khi hoạt động và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Một số bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội trong khi số khác chỉ cảm giác đau rất ít.
Mức độ đau cũng phụ thuộc vào một số yếu tố như số lượng động mạch bị ảnh hưởng, mức độ hẹp của động mạch, mức độ lưu thông bù trừ của cơ thể khi bị tắc nghẽn cũng như tốc độ đi của bệnh nhân, khối lượng bệnh nhân mang theo người khi di chuyển, thậm chí cả địa hình di chuyển là bằng phẳng, độ nghiêng mặt phẳng hay leo cầu thang.
Vị trí đau phụ thuộc vào vị trí động mạch bị tổn thương.
-
Đau mông - Đau ở hông hoặc đùi là do tắc nghẽn động mạch chính của bụng (động mạch chủ) hoặc các nhánh của nó (động mạch chậu). Khi có triệu chứng, người bệnh thường than đau ở mông, hông hoặc vùng đùi và bị yếu. Một số triệu chứng khác có thể thấy như teo cơ, rụng lông ở chi dưới do thiếu máu nuôi. Ở nam giới cũng có thể bị rối loạn cương dương khi các động mạch trên bị tắc.
-
Đau đùi - Đùi đau thường xảy ra do hẹp động mạch ở háng (động mạch đùi chung) hoặc động mạch đùi trên nhưng cũng có thể do tắc nghẽn mạch trên háng (động mạch chủ và động mạch chậu )
-
Đau bắp chân - Đây là vị trí đau phổ biến nhất. Cơn đau giống như bị chuột rút, xảy ra khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi. Đau ở hai phần ba trên của bắp chân thường là do hẹp động mạch đùi trên, trong khi đau ở phần dưới của bắp chân là do bệnh ở động mạch phía sau đầu gối (động mạch khoeo).
-
Đau bàn chân – Do hẹp động mạch ở vùng chân phía dưới (động mạch chày trước và chày sau)
CHẨN ĐOÁN CHỨNG ĐAU CÁCH HỒI
Chẩn đoán đau cách hồi dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng được đã mô tả ở trên. có thể làm Các xét nghiệm giúp xác nhận chẩn đoán và ước tính mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay — Chỉ số huyết áp cổ chân-cánh tay (ABI được sử dụng để xác định chẩn đoán PAD. ABI được thiết lập bằng cách lấy huyết áp tâm thu cổ chân chia cho huyết áp cánh taykhi nghỉ ngơi. Các bác sĩ có thể chẩn đoán PAD dựa trên kết quả của phép đo này.
Đo huyết áp từng đoạn — Huyết áp có thể được đo ở các mức khác ở chân (bắp chân, đùi thấp, đùi cao) để xác định vị trí và mức độ của PAD.
Hình ảnh học — Siêu âm là một xét nghiệm không xâm lấn có thể được sử dụng để đo lưu lượng máu và cho phép các bác sĩ xác định được vị trí và mức độ nghiêm trọng của hẹp động mạch.
Chụp cắt lớp được dùng nếu có các triệu chứng bất thường, không cải thiện hoặc tăng nặng lên khi điều trị. Trong tình huống này, các xét nghiệm hình ảnh xâm lấn (ví dụ, chụp mạch máu xóa nền – DSA), đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân có khả năng cần phải tái thông mạch máu.
PHƯƠNG HƯỚNG ĐIỀU TRỊ
Bất cứ cá nhân nào bị đau cách hồi mà có căn nguyên do bệnh động mạch ngoại biên đều nên được điều trị. Phương hướng điều trị bao gồm thay đổi lối sống (như bỏ thuốc lá) để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tham gia chương trình tập thể dục và tuân thủ điều trị thuốc.
Nếu thuốc và thay đổi lối sống vẫn không giúp bệnh nhân cải thiện thì tái thông mạch máu là cần thiết.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ — Như đã đề cập ở trên, các yếu tố nguy cơ chính của PAD là hút thuốc lá, tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao và béo phì. Người bệnh cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này trong quá trình điều trị.
-
Giảm mức cholesterol trong máu giúp cải thiện triệu chứng đáng kể. Để giảm lượng cholesterol người bệnh nên thay đổi chế ddoooj ăn uống, giảm mỡ trong khẩu phần ăn, tăng cường luyện tập thể dục hoặc dùng thuốc hạ lipid máu như statin. Statin cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ngay cả khi bệnh nhân không có cholesterol cao.
-
Bỏ hút thuốc và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, cao huyết áp cũng giúp cải thiện triệu chứng đồng thời giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu (như aspirin hoặc clopidogrel) cũng được khuyên dùng cho tất cả bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành, bao gồm PAD. Mặc dù các loại thuốc này chỉ có thể cải thiện một cách khiêm tốn các triệu chứng đau cách hồi nhưng lại có tác dụng làm giảm nhu cầu phẫu thuật và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch (như đau tim hoặc đột quỵ), kể cả tử vong.
Tập luyện thể dục — Các chương trình luyện tập thể dục làm giảm các triệu chứng đau cách hồi, bằng cách cho phép bạn luyện tập tăng khoảng cách và thời gian đi bộ. Người bệnh có thể cảm nhận tiến bộ rõ rệt có thể nhận thấy sau hai tháng tập luyện. Nếu ngưng tập luyện, hiệu quả giảm dần. Những bệnh nhân tập luyện với huấn luyện viên hoặc người hướng dẫn thường đạt hiệu quả tốt hơn.
Tập thể dục với người hướng dẫn gồm các bài như đi bộ trên máy hoặc chạy bộ thường được thực hiện trong 45 đến 60 phút ít nhất ba lần mỗi tuần. Các bài tập có thể được điều chỉnh dựa trên sức khỏe của bệnh nhân ví dụ như các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì có thể điều chỉnh chế độ tập luyện nhẹ nhàng hơn.
Các thuốc giúp cải thiện khả năng đi bộ — Một số loại thuốc khác nhau có thể giúp cải thiện khoảng cách đi bộ ( tức giúp bệnh nhân tăng thời gian và quãng đường đi mà không bị đau). Thuốc sẽ được dùng khi các biện pháp thay đổi lối sống và tập luyện không mang lại hiệu quả mong muốn.
Các phương pháp điều không mang lại hiệu quả giảm đau hoặc chưa được chứng minh có tác dụng trên bệnh nhân PAD— Nhiều loại thuốc khác đã được thử để điều trị giảm đau cách hồi nhưng ít mang lại hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp điều trị được liệt kê ở trên bao gồm pentoxifylline, thuốc thảo dược (Ginkgo biloba, Padma 28),… Một số phương pháp điều trị có thể có hại (ví dụ, liệu pháp thải sắt). Nhiều phương pháp điều trị khác vẫn đang được nghiên cứu và chưa được khuyến cáo để giảm đau (ví dụ, thuốc ức chế angiotensin, chất chống oxy hóa, bosentan, prostanoids, thuốc ức chế phosphodiesterase khác và liệu pháp gen).
Tái thông mạch máu — Nếu bệnh nhân bị giới hạn đi lại nghiêm trọng và các triệu chứng không cải thiện sau khi dùng thuốc và các liệu pháp kể trên thì có thể được cân nhắc tái thông mạch máu nhằm làm tăng lượng máu chảy đến nuôi chân. Có hai cách tái thông gồm can thiệp nội mạch và phẫu thuật mạch máu. Việc lựa chọn kỹ thuật tái thông mạch nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân , mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các can thiệp trước đó, điều kiện gây mê và kinh nghiệm của bác sĩ cũng như mong muốn của người bệnh.
Can thiệp nội mạch — Can thiệp nội mạch (không có vết mổ) thường được ưu tiên hơn phẫu thuật vì nó ít xâm lấn và có ít rủi ro tim mạch hơn. Các thủ tục nội mạch được thực hiện thông qua một ống thông (ống mỏng) được đặt vào động mạch đùi qua da ở vùng hang để luồn vào đặt stent gaiir quyết vị trí tắc nghẽn. Tạo hình mạch và đặt stent hiệu quả nhất trong điều trị tắc nghẽn đơn, ngắn, nhưng gần đây những tiến bộ trong công nghệ đã cho phép điều trị nhiều đoạn động mạch dài hơn, thậm chí cả những đoạn mạch bị tắc hoàn toàn.
Nếu bệnh nhân có các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn sẽ được thông bằng cách cắt hoặc đốt.
Phẫu thuật mạch máu — Trong trường hợp này các bác sĩ sẽ tái tạo mạch máu bằng cách khâu một mảnh ghép (thường là tĩnh mạch, nhưng đôi khi là vật liệu nhân tạo) để đi vòng quanh (bỏ qua) khu vực bị hẹp hoặc bị chặn của mạch máu, giúp cải thiện lưu lượng máu nuôi chân. Phẫu thuật hiệu quả ở những bệnh nhân trẻ, không bị tiểu đường và có ít bệnh ở các mạch phía dưới gối. Những người già và những người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể phẫu thuật thành công nhưng nguy cơ xảy ra biến chứng khi phẫu thuật cao hơn nhiều.
NGUỒN THAM KHẢO
Bệnh động mạch ngoại biên